Theo đó, đội chiêng trẻ Ê Đê Bih tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana được cấp 1 bộ chiêng Jôh và 30 bộ trang phục. Đội chiêng tại buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk được cấp 1 bộ chiêng Mnông Gar và 30 bộ trang phục. Sau khi nhận chiêng, các nghệ nhân đã tiến hành đánh chiêng và kiểm chiêng.
Nghệ nhân H’Lâm HMok thuộc đội chiêng nữ Ê Đê Bih (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) chia sẻ: “Chúng tôi xin cảm ơn đến dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng do Trung tâm Hợp tác Quốc tế tỉnh Jeolabuk, Hàn Quốc tài trợ, để chúng tôi có thể truyền lại nét văn hóa dân tộc cho các em nhỏ một cách dễ dàng. Hy vọng thời gian tới, các bạn nhỏ đã theo học lớp cồng chiêng sẽ có cơ hội tham gia biểu diễn tại một số chương trình, như những nghệ nhân thực thụ”.
Sau hơn 2 tháng khai giảng lớp truyền dạy cồng chiêng cho các bé gái nhỏ, đội cồng chiêng trẻ của Buôn Trấp đã có thể biểu diễn thuần thục các bài chiêng được luyện tập trong thời gian qua.
Ông Y Nem Buôn Krông, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ huyện Krông Ana cảm ơn sự quan tâm của các cấp, các ngành, Trung tâm Hợp tác Quốc tế tỉnh Jeolabuk đã tài trợ để huyện Krông Ana phát huy di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng và đào tạo những thế hệ nghệ nhân trẻ để làm lực lượng kế cận trong việc bảo tồn và phát huy di sản này”, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ huyện Krông Ana Y Nem Buôn Krông khẳng định.