Việc triển khai Chỉ thị số 40 - CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH đã tạo ra sự đột phá trong tư duy và cách làm của nhiều địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách. Các địa phương không chỉ chung tay nâng cao chất lượng tín dụng chính sách mà chủ động dành thêm nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH cho vay để gia tăng hiệu quả công tác giảm nghèo. Nguồn vốn ủy thác địa phương trong 5 năm đã tăng thêm 10.709 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 14.516 tỷ đồng.
Từ thực tế triển khai hoạt động, NHCSXH đã cùng các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chương trình tín dụng CSXH mới bổ trợ theo nhu cầu thực tế và bức thiết của người dân, như: Cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi... Nâng mức cho vay tối đa chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, điều chỉnh lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách sát với thực tế... NHCSXH cũng quyết định nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện vẫn còn 6,6 triệu người nghèo và đối tượng chính sách đang còn dư nợ với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/8/2019 đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (+40,2%) so với 31/12/2015. Trong đó dư nợ tại vùng DTTS và miền núi đạt 104.474 tỷ đồng, chiếm 52,6% tổng dư nợ với hơn 3,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 110.943 tỷ đồng, chiếm 55,9% tổng dư nợ, với hơn 3 triệu hộ còn dư nợ. Về cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đã được thụ hưởng tín dụng CSXH, trong đó có hộ vay vốn 2 - 3 chương trình tín dụng chính sách...
Thời gian tới, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng mong muốn, các địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ - TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị các bộ, ngành cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình.
NHCSXH cũng đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội bố trí, quy định một nguồn vốn riêng trích từ nguồn ngân sách Trung ương cho Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trong đó có khoản mục dành riêng quy định về nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS.
Hiện vẫn còn 6,6 triệu người nghèo và đối tượng chính sách đang còn dư nợ với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/8/2019 đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (+40,2%) so với 31/12/2015.