Việc nhỏ, ý nghĩa lớn
Theo tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 7/6/1968, khi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương (sau là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) về xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Công việc có khi rất nhỏ nhưng lại có tác dụng lớn, ích nước, lợi dân; công việc nhỏ nhưng lại có ý nghĩa, tầm quan trọng để tạo thành nhân cách có sức lan tỏa ảnh hưởng rộng lớn.
Bác nói: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài, cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc”.
Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn nguyên giá trị thực tiễn. Còn nhớ, năm 2007, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã phát động xây dựng Quỹ “Tiết kiệm đảng viên”. Hàng tháng, cứ vào ngày sinh hoạt chi bộ, mỗi đảng viên trên địa bàn Sơn La tự nguyện góp vào quỹ ít nhất một nghìn đồng.
Từ sự chung tay đó, Quỹ “Tiết kiệm đảng viên” có thời điểm số dư lên đến gần 2 tỷ đồng. Đảng bộ Sơn La đã sử dụng để hỗ trợ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, đảng viên bị ốm nặng, xây lớp học mầm non, hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn tiếp tục học tập...
Tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau như mô hình Quỹ “Tiết kiệm đảng viên” ở Sơn La trước đây, nay đã và đang lan tỏa ở nhiều địa phương khác, với cách làm mới, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của người dân. Như ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), từ năm 2021, Hội LHPN huyện đã thí điểm triển khai mô hình “Ống tiết kiệm 3 sạch” (Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), tại thôn Cóc Cọc, xã Sán Sả Hồ. Đến nay, mô hình đã nhân rộng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với 70 ống tiết kiệm, tổng số tiền tiết kiệm được trên 270 triệu đồng.
Theo bà Hoàng Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì, quỹ được sử dụng để giúp hội viên sửa chữa nhà ở, xây bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh, làm đường bê tông vào nhánh hộ, xây tường bao xung quanh nhà, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh,... Mô hình không chỉ cải thiện điều kiện sinh hoạt hàng ngày, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và nỗ lực vươn lên của hội viên phụ nữ, đồng thời phát huy vai trò phụ nữ chung tay cùng địa phương thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.
Kịp thời biểu dương
Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng bào các dân tộc luôn vững niềm tin son sắt với Đảng, Nhà nước. Những năm qua, rất nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như trong các phong trào thi đua yêu nước đã lan tỏa, góp phần qua trọng cùng Nhà nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết, bồi đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Đi đầu trong các phong trào ở cơ sở là đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Lực lượng “hạt nhân” này ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được “trẻ hóa”. Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, năm 2023, cả nước có 28.538 Người có uy tín; trong đó, Người có uy tín dưới 30 tuổi là 86 người (0,3%); từ 30 đến dưới 40 tuổi là 1.167 người (4,09%); từ 40 đến dưới 50 tuổi là 3.034 người (10,63%); từ 50 đến dưới 60 tuổi là 6.560 người (22,97%); từ 60 đến dưới 70 tuổi là 10.685 người (34,44%); từ trên 70 tuổi là 7.006 người (24,55%).
Ghi nhận đóng góp của đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc và các địa phương thường niên tổ chức hoạt động biểu dương, tôn vinh. Mới đây, ngày 12/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc năm 2023 với gần 500 Người có uy tín được tôn vinh tại Chương trình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Cùng với đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ trí thức doanh nhân tiêu biểu thì ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn rất nhiều tấm gương là thanh niên, học sinh, sinh viên, nông dân,… đang ngày đêm rèn luyện, học tập, sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng. Điều cần thiết là kịp thời phát hiện để biểu dương, khích lệ những tấm gương điển hình đó để lan tỏa.
Giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), hoạt động biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS sẽ được chú trọng, thực hiện bài bản và tập trung hơn. Trong Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 1 (2021 – 2025), hoạt động biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến được quy định tại Nội dung số 01, Tiểu dự án 1 của Dự án 9.
Theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT về hướng dẫn thực hiện một số nội dung thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 1 của Ủy ban Dân tộc, để đẩy mạnh phát huy vai trò của đồng bào DTTS, các Bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; đồng thời tổ chức sản xuất, biên tập, đăng tải, truyền dẫn, phát sóng, phát hành các tài liệu, ấn phẩm truyền thông trên các báo chí, đài phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử, mạng xã hội để tuyên truyền, giới thiệu, biểu dương các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTSvà miền núi…
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG, định kỳ 2 năm/lần đối với cấp tỉnh và cấp huyện, 5 năm/lần đối với cấp Trung ương sẽ tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo báo cáo Tổng kết 10 năm (2011 – 2021) thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, bên cạnh việc cung cấp thông tin và bồi dưỡng kiến thức, việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho Người có uy tín cũng nhận được thực hiện kịp thời đầy đủ. Giai đoạn 2011 - 2021 cả nước đã tổ chức 6.728 chuyến thăm hỏi, tặng quà tết Nguyên đán cho 311.860 lượt Người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 25.642 lượt Người có uy tín ốm đau; thăm hỏi, hỗ trợ gia đình Người có uy tín gặp khó khăn là 14.302 trường hợp; tổ chức trên 2.000 chuyến thăm hỏi, tặng quà Người có uy tín nhân dịp Tết, ngày lễ lớn của đồng bào DTTS…