Nhận diện “lõi nghèo”
Trong giai đoạn 2011 – 2015, chuẩn nghèo vẫn được nhận diện ở tiêu chí thu nhập, theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg, ngày 30/1/2011. Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400 nghìn đồng/người/tháng trở xuống; khu vực thành thị là 500 nghìn đồng/người/tháng trở xuống. So với 10 năm trước (năm 2001) thì chuẩn nghèo áp dụng cho vùng nông thôn, miền núi từ năm 2011 đã tăng gấp 50 lần; từ 80 nghìn đồng lên thàng 400 nghìn đồng.
Mặc dù chuẩn nghèo nâng lên, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm nhanh. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 14,2%. Các năm sau đó, tỷ lệ này đều giảm dần: năm 2011 giảm còn 11,76%; năm 2012 giảm còn 9,6%; năm 2013 giảm còn 7,8%; năm 2014 giảm còn 5,97%.
Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Cũng theo báo cáo này, giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm.
Kết quả giảm nghèo này trước hết xuất phát từ các chương trình đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh được triển khai hiệu quả tại các địa phương, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chỉ tính riêng Chương trình 135, trong 2 năm (2012 - 2013), Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng được 8.959 công trình bao gồm giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhà sinh hoạt cộng đồng... Năm 2014, vốn Chương trình tiếp tục đầu tư xây dựng 6.221 công trình; năm 2015 là 2.069 công trình.
“Các địa phương cũng đã tổ chức hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các hộ gia đình; giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 2 triệu ha cho trên 155.000 hộ; thực hiện đào tạo, đưa khoảng 9.500 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Thông qua thực hiện mô hình giảm nghèo, số hộ thoát nghèo đạt khoảng 15 - 20%, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng khoảng 15%; tạo việc làm cho 25% lao động nông thôn. Tổ chức tập huấn cho khoảng 140 nghìn lượt cán bộ giảm nghèo ở cơ sở”, báo cáo của Bộ LĐTB&XH khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH cũng đánh giá, trong giai đoạn 2011 – 2015, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%. Số hộ nghèo là người DTTS chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Nguyên nhân được xác định là do cơ sở hạ tầng dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng phục vụ phát triển triển sản xuất của người dân ở các huyện nghèo, vùng đồng bào DTTS và miền núi; trình độ sản xuất còn lạc hậu, địa hình chia cắt,… Quan trọng hơn, phấn lớn các chính sách đầu tư, hỗ trợ được ban hành giai đoạn trước, được thiết kế chủ yếu mới dừng lại ở hỗ trợ, hướng tới mục tiêu tăng thu nhập, từ đó thúc đẩy giảm nghèo.
Đột phá từ tiếp cận nghèo đa chiều
Giai đoạn 2016 – 2020, công tác giảm nghèo của Việt Nam có bước ngoặt khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015, ban hành ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Đây là phương pháp tiếp cận mới, tiến bộ hơn, có tính nhân văn, tác động toàn diện hơn đến người nghèo; là bước phát triển mới về giảm nghèo của Việt Nam, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Theo đó, từ năm 2016, hộ nghèo, hộ cận nghèo được đo lường bằng tiêu chí thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản (có 5 dịch vụ gồm 10 chỉ số). Hộ nghèo trong giai đoạn 2016 – 2020 được nhận diện theo 2 nhóm: hoặc là dưới chuẩn thu nhập (thu nhập dưới 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị); hoặc là vừa dưới chuẩn thu nhập vừa thiếu hụt 03/10 chỉ số của 5 dịch vụ xã hội cơ bản.
Với việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã tăng từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016, theo Quyết định số 1905/QĐ-LĐTBXH ngày 22/8/2016 phê duyệt kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoại 2016 – 2020 của Bộ LĐTB&XH. Cũng theo Quyết định này, khu vực miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (34,52%), tiếp theo là miền núi Đông Bắc (20,74%) và Tây Nguyên (17,14%). Đông Nam bộ có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với 1,23%, tỷ lệ hộ nghèo của Đồng bằng sông Hồng cũng chỉ 4,76%.
Những tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước là Điện Biên (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%)... Thanh Hóa là tỉnh có số hộ nghèo nhiều nhất cả nước với 128.893 hộ, tiếp theo là Nghệ An với 95.205 hộ, Sơn La 92.754 hộ…
Trong giai đoạn 2016 – 2020, các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phần lớn được xây dựng từ giai đoạn trước, theo 13 nhóm chính sách trong Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ. Do đó chưa có nhiều thay đổi để hướng tới giải quyết sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cũng như thiếu hụt về thu nhập cho người nghèo. Trong giai đoạn này, có hai chính sách mới được xây dựng, ban hành theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg và 2086/QĐ-TTg cùng được ký ngày 31/10/2016; nhưng do ban hành sau thời điểm kế hoạch đầu tư trung hạn đã được thông qua nên cả hai chính sách này không bố trú được vốn để triển khai.
Bước đột phá của lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là việc Ủy ban Dân tộc tham mưu, xây dựng trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Tiền đề của việc xây dựng Đề án xuất phát từ thực trạng nghèo của vùng đồng bào DTTS và miền núi su khi áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Trong Tờ trình số 473/TTr-CP ngày 11/10/2019 gửi Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đánh giá, hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
“Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc và chính sách dân tộc”, Chính phủ khẳng định.
Đề án Tổng thể với trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 là bước đột phá của lĩnh vực công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Những quyết sách này được kỳ vọng giải quyết triệt để, căn bản các nhu cầu cấp bách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án Tổng thể cũng như của Chương trình mục tiêu quốc gia thì việc cần làm là cần thay đổi phương pháp nhận diện thực trạng nghèo. Bởi, chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020 dù đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa tiếp cận được với khung chuẩn nghèo của thế giới.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dungnày trong số báo tiếp theo.