Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, khâu giám sát hiện vẫn còn một số bất cập.
Nơi thiếu, nơi thừaCuối tháng 12/2017, tại Hội nghị đánh giá kết quả giám sát; triển khai thực hiện Nghị quyết 48/2017/QH14 của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn phân tích những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chương trình, dự án, đề án đã và đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi. Từ đầu tư xây dựng cơ bản cho đến thực hiện các mô hình giảm nghèo đều có nhiều bất cập, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.
Cụ thể nhất là tình trạng “nơi thiếu, nơi thừa” trong thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập nhưng phòng học kiên cố mới chỉ đáp ứng được khoảng 77,1%. Nhiều cơ sở giáo dục (chủ yếu ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ) hiện còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê.
Vậy nhưng ở một số địa phương lại có không ít trường lớp kiên cố xây xong lại bỏ không. Không dẫn chứng đâu xa, ông Đinh Duy Vượt, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, lấy ngay trường hợp 245 phòng học trên địa bàn 13 huyện của tỉnh Gia Lai được xây xong nhưng bỏ hoang để phân tích. Đại biểu Vượt cho rằng, nguyên nhân của tình trạng “nơi thiếu, nơi thừa” là do chồng chéo trong chính sách đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi, trong khi đó cơ chế giám sát thực hiện còn hạn chế.
Không chỉ trong xây dựng cơ bản mà việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cũng tồn tại nhiều bất cập. Rõ nhất là sự “chết yểu” của nhiều mô hình hỗ trợ đồng bào DTTS.
Có thể kể đến thực trạng này ở 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Giai đoạn 2014-2017, tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều mô hình kinh tế hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, với tổng nguồn vốn gần 8.000 tỷ đồng. Nhưng đa số cây con giống đều không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cũng như trình độ canh tác của bà con nên sau khi chuyển giao cho người dân đều không phát huy tác dụng. Nguyên nhân là do các địa phương không khảo sát chặt chẽ, không hỏi ý kiến người dân khiến mô hình giảm nghèo không phù hợp. Thậm chí, một số nơi không có đất vẫn cấp cây, không có điều kiện chăn nuôi vẫn cấp con giống...
Đừng để nghìn tỷ trôi sông!Phải nhìn nhận, hiện hệ thống chính sách, pháp luật đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi là khá đồ sộ, với 66 Luật và hơn 200 văn bản dưới luật liên quan; đề cập tương đối toàn diện về đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh và quốc phòng … vùng DTTS và miền núi. Trên cơ sở đó, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được bố trí để thực hiện các chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.
Chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2011-2015 đã được bố trí hơn 40 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là hơn 48 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, như đã nêu trên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cấp, ngành có liên quan nên không ít chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi không phát huy hiệu quả như thiết kế.
Trở lại vấn đề nhiều mô hình giảm nghèo “chết yểu” ở Quảng Ngãi, theo lý giải của chính quyền 6 huyện miền núi thì nguyên nhân là do cây, con giống được cấp đều không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cũng như trình độ canh tác của bà con. Vậy trong vấn đề này, vai trò chỉ đạo, giám sát của các ngành có liên quan của tỉnh Quảng Ngãi ở đâu? Hay là sau khi phân bổ ngân sách để thực hiện xong thì xem như hết trách nhiệm; có đi kiểm tra thì cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” (?!). Có lẽ vì điều này mà trong 5 năm (2013-2017), dù nhiều mô hình không giúp người dân thoát nghèo nhưng vẫn tiếp tục được triển khai; vùng không có cỏ, khô cằn thì lại cấp bò, vùng đầm hồ, chiêm trũng thì lại thả dê…
Hay tình trạng 245 phòng học trên địa bàn Gia Lai bị bỏ hoang cũng vậy. Theo báo cáo giải trình của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, 245 phòng học bỏ hoang chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa. Kinh tế phát triển, trường trung tâm, trường chính được đầu tư hiện đại nên phụ huynh đều muốn đưa con đến các trường lớn để học tập. Đây chính là nguyên nhân khiến 245 phòng học dôi dư, không sử dụng (!).
Những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi đã được phân tích, mổ xẻ. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trọng tâm nhất vẫn là khâu giám sát còn hạn chế. Công tác giám sát phải được thực hiện từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, từ tỉnh đến huyện, về xã và xuống tận thôn bản; chương trình giám sát cũng phải theo sát từ khâu thiết kế đến từng công đoạn trong quá trình thực hiện chính sách.
SỸ HÀO