Quảng bá văn hóa truyền thống để “hút” khách du lịch
Nam Đông là huyện miền núi, cách trung tâm TP. Huế 50km về phía Tây Nam. Đây cũng là địa phương có điều kiện tự nhiên phong phú, khí hậu trong lành, phong cảnh nên thơ hữu tình. Đặc biệt ở Nam Đông hội tụ sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu…nên văn hóa truyền thống đa sắc màu, đậm đà bản sắc. Nhiều phong tục tập quán, lễ hội, món ăn truyền thống được đồng bào lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Những sắc màu và hơi thở cuộc sống miền sơn cước Nam Đông luôn có sức hút đối với du khách thập phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh để Nam Đông bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Bên cạnh đó, cũng mở ra cơ hội để Nam Đông phát triển du lịch, tạo thêm việc làm tăng thêm thu nhập cho đồng bào.
Tranh thủ nguồn lực từ Chương trình, chính sách dân tộc, Nam Đông tổ chức "Chợ phiên Nam Đông" để quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đến với du khách. Từ đó, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm tạo thêm nhiều việc làm cho lao động DTTS.
Chợ phiên Nam Đông được tổ chức thường kỳ vào chủ nhật của tuần thứ 2 và tuần thứ 4 hàng tháng. Với phương châm lấy văn hóa truyền thống các DTTS làm “đòn bẩy” phát triển du lịch, đơn vị đã tổ chức giao lưu văn nghệ truyền thống; giới thiệu nét ẩm thực đậm nét vùng miền. Với những món ăn truyền thống của người Pa Cô; Tà Ôi; Cơ Tu như gà nướng, cá suối, cơm lam ống tre, bánh nậm, bánh bèo….thu hút được khách thập phương ghé thăm quan và thưởng thức. Bên cạnh đó, những sản vật như mật ong, thảo dược từ rừng; hàng mộc mỹ nghệ, thổ cẩm, hàng lưu niệm cũng được bày bán tạo nét riêng biệt của phiên chợ vùng cao mà không nơi nào có được.
Thông qua chợ phiên Nam Đông, những sản vật do đồng bào các DTTS sản xuất ra được nhiều người biết đến hơn. Lượng bán ra cao, nhiều mặt hàng như mật ong, thảo dược..., đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giúp đồng bào tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế. Thông qua những buổi biểu diễn quần chúng ở chợ phiên Nam Đông, những nét văn hóa truyền thống được bảo tồn, hồi sinh và phát triển.
Ngoài ra, UBND huyện Nam Đông còn hỡ trợ, xây dựng điểm du lịch cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ). Với mục tiêu quảng bá con người, văn hóa truyền thống của Cơ Tu đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Sau gần 3 năm triển khai mô hình, tất cả các hộ Cơ Tu ở thôn Dỗi được hỗ trợ, hướng dẫn để cùng nhau làm du lịch cộng đồng. UBND huyện Nam Đông cũng đầu tư nhiều hạng mục để hoàn thiện cơ sở vật chất tại điểm du lịch cộng đồng thôn Dỗi. Bên cạnh đó, phòng chuyên môn ở Nam Đông không ngừng nghiên cứu thêm các sản phẩm du lịch mới để thu hút lượng khách ngày càng nhiều.
Hiện tại, thôn Dỗi, xã Thượng Lộ có 6 homestay được đưa vào hoạt động có hiệu quả. Làm du lịch bằng cách quảng bá văn hóa của dân tộc mình, đồng bào Cơ Tu ở thôn Dỗi đã có việc làm, có thu nhập để cải thiện đời sống.
Ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng Văn hóa-thông tin huyện Nam Đông cho biết, ước tính đến cuối năm 2023, lượng khách du lịch đến huyện Nam Đông là hơn 23.000 lượt, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng. Theo đánh giá chung, sẽ đạt các chỉ tiêu đề ra theo lộ trình là đến năm 2025 đón khoảng 25.000 lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng 11 tỷ đồng. Qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đảm bảo nâng cao thu nhập cho đồng bào
Phát huy lợi thế, nằm ở tiểu vùng khí hậu Đông Trường Sơn mát mẻ; văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu…,đậm đà bản sắc nên huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) có định hướng phát triển du lịch rất sớm. Từ lâu, A Lưới đã nổi tiếng bởi những sản phẩm làng du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch thắng cảnh.
Tại A Lưới, hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo xu hướng khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa. Du khách cùng làm, cùng sống và trao đổi trực tiếp với đồng bào các DTTS bản địa. Theo đó, cộng đồng địa phương làm chủ, tham gia vào quá trình phát triển và quản lý, phần lớn lợi ích sẽ thuộc về cộng đồng đồng bào ở các bản làng vùng cao. Đến với A Lưới, du khách sẽ được tìm hiểu về các lễ hội như; Ariêu car, Ariêu A Da,.. khám phá ẩm thực vùng cao, trải nghiệm những nét phong tục tập quán của đồng bào các DTTS tại những homestay hay trong những phiên chợ vùng cao,…
Hiện nay, toàn huyện A Lưới có 5 làng du lịch cộng đồng đang hoạt động. Trong đó, du lịch cộng đồng A Nôr, A Roàng là điểm du lịch vệ tinh kết nối các điểm du lịch trên địa bàn.
Từ nguồn vốn các Chương trình MTQG, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ được đầu tư nâng cấp. Cùng với đó, A Lưới triển khai tập huấn cho hàng trăm học viên là người DTTS về nghiệp vụ thuyết minh, ẩm thực, quản lý, điều hành… nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ chuyên nghiệp.
Anh Viên Đăng Phú, chủ homestay Hương Danh tại thôn Aka (xã A Roàng) thổ lộ.“Mình có làm về mô hình du lịch văn hoá, di sản gắn liền với cộng đồng người Tà Ôi, cụ thể là lưu trú, trải nghiệm, ẩm thực… Mỗi năm đón trên 1.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Du lịch đã mang lại cho gia đình nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, và bà con cũng có công ăn việc làm, thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng”.
Từ nền tảng sẵn có, cộng với nguồn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dân tộc, ngành du lịch ở A Lưới đã đạt được kết quả như mong đợi. Thông qua hoạt động du lịch, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi đã tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu. Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, lượng khách đến A Lưới tăng đột biến đạt gần 130.000 lượt, doanh thu khoảng 16,8 tỷ đồng/năm. Tất cả những hộ gia đình làm du lịch đều có thu nhập ổn định, nhiều người dân có việc làm với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho biết: Từ nguồn kinh phí của Nhà nước, A Lưới đã đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông, đường điện đến các điểm du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá qua panô, mạng xã hội và website, chuyển tải những hình ảnh đẹp, dịch vụ mới của du lịch A Lưới để quảng bá đến du khách. Thông qua hoạt động của du lịch, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được bảo tồn và phát huy giá trị; nguồn thu từ hoạt động du lịch góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS.