Đối với người Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, lễ hội mừng lúa mới là dịp để tạ ơn thần linh đã mang đến một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu cho năm mới được mạnh khỏe, ấm no, lễ hội mừng lúa mới là dịp để dân làng tề tựu, cúng tế, cùng chia sẻ niềm vui được mùa.
Để chuẩn bị cho lễ hội, đồng bào Cơ Tu đã có sự chuẩn bị từ khá sớm. Người rang lúa, người giã gạo, người cắt lá dong, người lấy nước, nướng gà, nướng cá… dâng lên và tạ ơn thần linh. Cứ thế không khí ngày hội đem đến cho người xem rất nhiều cảm xúc, được sống trong không gian lễ hội độc đáo, thú vị.
Vào lễ, già làng khấn rằng: “Ơ Giàng, ơ các thần sông, thần núi, thần đất, thần trời và các linh hồn người chết, những con ma trong rừng, trong núi... Hôm nay, dân làng mở hội đâm trâu để mừng một mùa rẫy, dân làng biết ơn giàng, các thần linh đã giúp đỡ dân làng, ban cho dân làng hạt lúa, hạt bắp về đầy nhà, đầy kho, dân làng không bị đau ốm, không bị chết xấu. Dân làng cầu mong Giàng, thần linh về dự với dân làng để biết được cái bụng của dân làng. Dân làng rất biết ơn Giàng, cúng con trâu, con gà, chén rượu cho Giàng để mùa rẫy tới được tốt đẹp như mùa rẫy này”.
Đồng bào Cơ Tu sau khi thực hiện các nghi lễ tâm linh, đã cùng nhau nhảy các điệu nhảy truyền thống theo tiếng cồng chiêng và mời du khách gần xa thưởng thức những món ngon của đồng bào mình.
Nhiều du khách tỏ ra hào hứng khi được chứng kiến một lễ hội đậm đà bản sắc của người Cơ Tu. Mọi người còn ấn tượng hơn, khi nghi lễ đâm trâu trong lễ hội mừng lúa mới được thực hiện bằng cách sử dụng con trâu tượng trưng được làm bằng xốp, thay vì trâu thật như trước.
Thông qua việc tái hiện lễ mừng lúa mới, UBND huyện Nam Đông, Ban Tổ chức Ngày hội và đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông muốn chuyển tới thông điệp chung tay bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời giới thiệu nét độc đáo của dân tộc mình đến với du khách tham gia. Lễ hội cũng là dịp để gắn kết, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết giữa các làng bản trong huyện, trong tỉnh Thừa Thiên Huế.