Theo Bộ LĐTB&XH, trong 9 tháng năm 2023, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý III năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước; tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV năm 2022 đã giảm nhiệt trong quý này. Tuy nhiên lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, khoảng ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ; lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 27%, giảm 118,2 nghìn người so với cùng kỳ.
Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động (38.816 lao động nữ) đạt 101,37% kế hoạch năm 2023, (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động) và bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái (09 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động). Số lao động hết hạn hợp đồng về nước khoảng gần 79 nghìn người. Số lao động Việt Nam hiện nay đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng trên 650 nghìn người. Ước cả năm đưa khoảng 125 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 104% kế hoạch.
Tính chung 9 tháng năm 2023, thu nhập bình quân của lao động là 7,0 triệu đồng/tháng, tăng 6,8%, tương ứng tăng 451 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,6 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,1 triệu đồng/tháng.
Về chăm sóc người có công với cách mạng, trong 6 tháng đầu năm cả nước đã thực hiện điều dưỡng cho khoảng 400.000 lượt người; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 400 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới trên 2.667 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 2.000 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 246 tỷ đồng; tặng 5.507 sổ tiết kiệm với kinh phí trên 14 tỷ đồng; cả nước có 2.988 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Ngân sách Trung ương chi 600 tỷ đồng nâng cấp, tu bổ, sửa chữa mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ cho các địa phương đảm bảo bền vững lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Về bảo trợ xã hội, đã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng. Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ trên 27.000 tỷ đồng/năm. Nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm.
Về giảm nghèo bền vững, năm 2023, kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã phân bổ từ ngân sách Trung ương là 12.692 tỷ đồng ngân sách địa phương là 902,778 tỷ đồng. Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, cơ quan trung ương, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm 2023 là 1.410,892 tỷ đồng đạt 26%; Ước giải ngân đến hết tháng 9 năm 2023 là 4.007,572 tỷ đồng (trong đó 2.019,514 tỷ đồng thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang đạt 60%; 1.988,059 tỷ đồng thanh toán kế hoạch vốn giao trong năm 2023 đạt 37%.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu.