Sinh ra và lớn lên giữa bon làng Mnông (bon Jôc Ju, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), từ nhỏ ông Y Thịnh chứng kiến bao khó khăn, vất vả của bà con dân tộc mình. Nỗ lực học tập, rèn luyện, ông được phân công nhiều vị trí công tác từ lãnh đạo cấp huyện, đến tỉnh. Làm công tác quản lý, đi cơ sở nhiều ông thấy rõ một điều, dù được Nhà nước rất quan tâm, đầu tư, hỗ trợ, nhưng dân tộc Mnông vẫn chậm phát triển.
Chính điều đó đã làm ông trăn trở và muốn tìm hiểu để giải tỏa khúc mắc trong lòng. Ông Y Thịnh lặn lội đến tất cả các bon làng dân tộc Mnông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và nhiều vùng đất khác như Đắk Lắk, Lâm Đồng, An Giang để tìm hiểu…
Tổng hợp kiến thức từ thực tế và nghiên cứu qua nhiều tài liệu, ông Y Thịnh cho ra đời cuốn sách “Năo Rih Sjêng Bunoong” vừa ra mắt vào cuối tháng 7 vừa qua.
Cuốn sách gồm 6 chương, hơn 200 trang gồm: Chương I: Người Bunoong; Chương II: Pri Neh (lãnh thổ) từ năm 1905 về trước; Chương III: Nguồn gốc người Bunoong (Mnông); Chương IV: Kinh tế - văn hóa - xã hội; Chương V: Nau tâm lâh-sjiêng rih (lịch sử đấu tranh sinh tồn); Chương VI: Thực trạng dân tộc Mnông năm 2022.
Chia sẻ về nội dung cuốn sách ông Y Thịnh cho biết: tín ngưỡng sùng bái đa thần và chế độ mẫu hệ là sản phẩm xã hội của thời kỳ nguyên thủy, đã không còn phù hợp với cuộc sống đương đại. Tín ngưỡng đa thần có tác dụng gìn giữ trật tự xã hội trong thời kỳ nguyên thủy, khi chưa có nhà nước, chưa có chữ viết. Thờ cúng nhiều vị thần mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, cúng bái, lễ nghĩa quá nhiều gây tốn kém, lãng phí và làm cho con người lú lẩn, không có sự sáng tạo, cố gắng.
Còn chế độ mẫu hệ, phụ nữ có vai trò rất lớn. Người đàn ông Mnông ở rể bên nhà vợ và không có quyền hành về kinh tế, mọi việc trong gia đình đều do phụ nữ quyết định. Quan niệm đó đặt gánh nặng lên người phụ nữ, kìm hãm sự phát triển của nam giới.
Những điều đó làm tư tưởng người Mnông luôn cảm thấy mình nhỏ bé trước mọi người, tự ti không dám bước ra khỏi bon làng, không chịu vươn lên trong cuộc sống.
Theo tác giả, để khắc phục tất cả những khó khăn, hạn chế trong tư tưởng, tâm lý nhằm giúp cho người Mnông phát triển nhanh hơn cần phải có một cuộc cách mạng.
Trước hết người Mnông cần phải cải tạo nòi giống. Cụ thể, cấm hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, bỏ tục nối dây và chỉ được sinh tối đa 3 con, cách nhau tối thiểu là 5 năm. Các bà mẹ, ông bố phải được học kiến thức nuôi dạy con trẻ trước, trong và sau khi sinh đẻ. Con cái phải được nuôi dạy thật tốt, đảm bảo cho trẻ phát triển cả về thể lực và trí tuệ. Khuyến khích gia đình đa thành phần dân tộc trên cơ sở bình đẳng hạnh phúc.
Từng bước bãi bỏ chế độ hôn nhân mẫu hệ chuyển sang chế độ hôn nhân phụ quyền để cởi bỏ bớt gánh nặng cho người phụ nữ, đồng thời phát huy sức mạnh của nam giới trong sự bình đẳng. Xóa bỏ tư tưởng sùng bái đa thần, mê tín dị đoan, cúng thần linh những tài sản, vật hiến tế có giá trị lớn gây tốn kém.
Mặc dù người Mnông bây giờ đã có đổi mới về phương thức sản xuất nhưng vẫn chỉ ở mức sản xuất nông nghiệp lạc hậu, mang tính kinh tế tự nhiên nhiều, trình độ thâm canh, tăng năng xuất kém, sản xuất hàng hóa mới chỉ ở giai đoạn giản đơn và chưa biết làm kinh tế thương mại, dịch vụ.
Để làm được điều đó, người Mnông cũng cần khắc phục tâm lý thụ động, tự ti, loại trừ những tập quán lạc hậu, đổi mới tư duy trong lao động sản xuất, tham gia sản xuất hàng hóa có chất lượng, năng xuất cao, hiện đại hóa công cụ lao động nông nghiệp. Đồng thời, học tập nâng cao tay nghề trong lĩnh vực công nghiệp, tích cực tham gia kinh tế thương mại, dịch vụ, xuất khẩu lao động... Từ đó, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình, nâng cao thu nhập và thúc đẩy sự phát triển chung của dân tộc.
Với những nội dung được thể hiện trong tác phẩm “Lịch sử văn hóa Mnông”, tác giả mong muốn cuốn sách sẽ góp phần vào kho tàng trí tuệ của dân tộc Việt Nam nói chung và người Mnông nói riêng. Tác phẩm cho mọi người sẽ có cách nhìn mới, khách quan hơn về người Mnông và có những phương pháp giúp đỡ người Mnông từng bước phát triển về mọi mặt, để người Mnông cùng đồng hành với cả nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, thông qua cuốn sách, ông muốn đồng bào dân tộc Mnông tự mình vươn lên, phát huy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo của bản thân, của dân tộc.
Ngoài ra, tác phẩm này cũng cung cấp những thông tin hữu ích cho các nhà nghiên cứu khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà giáo, văn học nghệ thuật, học sinh sinh viên và những người có quan tâm về người Mnông và lịch sử văn hóa Việt Nam.
Đánh giá về cuốn sách, ông Võ Văn Hân, Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật TP.Gia Nghĩa nhận định: Cuốn sách “Lịch sử văn hóa Mnông” giúp cho bạn đọc có thêm nguồn tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa dân tộc Mnông. Những thông tin, số liệu thể hiện trong cuốn sách rất đáng tin cậy để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu.