Phía bên kia sông, làng Chăm Châu Phong thuộc thị xã Tân Châu (An Giang) nổi tiếng với nghề dệt lụa mang đậm văn hóa Chăm thủa xưa. Người Chăm An Giang không buôn bán qua trung gian mà tự tìm đầu ra cho sản phẩm, nhờ vậy mà họ có sự giao dịch rộng rãi với các dân tộc khác trong cộng đồng.
Điều khác biệt của những sản phẩm nơi đây là được nhuộm từ các chất liệu thiên nhiên lấy từ mủ cây (klék), vỏ cây (pahud) và trái cây (mặc nưa). Để làm ra được một sản phẩm đơn giản nhất cũng phải qua mười mấy công đoạn và để dệt xong một khung dài 15m phải mất gần nửa tháng trời. Một thợ chuyên dệt thổ cẩm trung bình mỗi ngày cũng chỉ dệt được 2m xà rông của nữ hoặc 4m xà rông nam.
Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm giờ cũng khác trước rất nhiều bởi thay bằng tơ công nghiệp nhưng hoa văn và cách nhuộm màu vẫn giữ nguyên phong cách truyền thống.
Sản phẩm dệt cũng ngày càng đa dạng, không chỉ dừng lại ở phục vụ cho gia đình mà đã được thương lái tới mua và nhiều sản phẩm sang thị trường châu Âu, Mỹ...
Theo thống kê, làng Chăm Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) hiện có gần 500 hộ đồng bào Chăm; trong đó, ấp Phũm Soài có khoảng 300 hộ, phần lớn làm nghề dệt thổ cẩm. Chính vì vậy, nơi đây đã trở thành điểm đến của khách du lịch với chương trình “Trở thành một người Chăm”. Đa số khách du lịch đến đây đều cảm thấy hài lòng khi được đi thăm các cơ sở dệt tại nhà của người dân.
Không những thế, du khách còn được trải nghiệm vai thôn nữ dệt thổ cẩm và múa những vũ điệu độc đáo cũng như thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị nơi đây.