“Người Cao Lan nhà nào cũng trồng lúa, bên cạnh đó còn trồng bông và cây đay để dệt thổ cẩm, quần áo và trang phục để mặc. Nghề thêu, dệt thổ cẩm trước đây phát triển lắm. Từ nhỏ, khoảng 5 đến 6 tuổi, tôi đã được bà và mẹ dạy cho cách thêu, dệt thổ cẩm. Khi lớn lên, đến lúc lấy chồng, tôi đã biết thêu, dệt thành thạo. Tôi cũng không nhớ rõ, nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy các mẹ, các chị trồng bông, đay trên nương rồi kéo sợi thêu, dệt thổ cẩm rồi”, Nghệ nhân Trạc Thị Ngọn vui vẻ kể.
Có thời gian trong làng, số người biết đến nghề thêu, dệt thổ cẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, cuộc sống hối hả của nền kinh tế hiện đại, cộng với đời sống kinh tế đã khấm khá hơn nên bà con trong thôn dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những bộ trang phục hiện đại. Người trẻ không còn nhiệt tình với khung cửi, thêu, dệt thổ cẩm.
Thật may mắn, ước mơ bao năm muốn nghề thêu, dệt “sống lại” đã thành hiện thực, khi năm 2006, UBND huyện Lục Nam đầu tư dự án khôi phục và phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm ở bản Khe Nghè và bà Ngọn được coi là “linh hồn” của dự án. Bà Ngọn cùng một số phụ nữ có tuổi trong thôn biết nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào Cao Lan đã thành lập một Câu lạc bộ (CLB) thêu, dệt thổ cẩm. Hiện nay, CLB có gần 100 thành viên, chia làm 3 nhóm. CLB đã đóng góp rất lớn trong việc truyền dạy, bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.
Khi CLB thêu, dệt thổ cẩm ở Lục Nam được thành lập, ngoài vốn kiến thức được bà và mẹ truyền dạy thì bà Ngọn còn “lặn lội” tới tận các vùng có đông đồng bào Cao Lan sinh sống như: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ... để học hỏi, sưu tầm những mẫu áo váy xưa về nghiên cứu cách thêu rồi truyền đạt cho những thành viên trong CLB thêu, dệt của quê hương.
“Ban đầu, lớp học rất đông thành viên tham gia, chủ yếu là phụ nữ có tuổi trong thôn. Sau dần, một số phụ nữ đành bỏ vì bận công việc gia đình. Lúc này, tôi lại đi đến “gõ cửa” từng nhà tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, rồi thuyết phục, kể về nét độc đáo, ý nghĩa sâu sắc của tấm vải thổ cẩm, trang phục truyền thống dân tộc mình và vận động các hội viên trong CLB ra lớp”, bà Ngọn chia sẻ.
Sau một thời gian dài, với sự nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn của bà Ngọn về cách làm ra vải thổ cẩm, rồi cách thêu từng chi tiết hoa văn trên quần áo, nhiều người đã thêu, dệt thành thạo thổ cẩm và CLB lại đông vui hơn. CLB thêu, dệt thổ cẩm ở thôn Khe Nghè đã sản xuất được nhiều sản phẩm thêu, dệt như: Quần áo dân tộc, vỏ gối, khăn trải bàn, tranh treo tường, túi thơm, khăn tay, túi trầu, khăn chùm đầu của người Cao Lan.
Cùng với sự cố gắng, nhiệt tình trong việc truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào Cao Lan, bà Ngọn đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của xã, huyện và tỉnh. Năm 2015, bà Trạc Thị Ngọn vinh dự được Chủ tịch nước trao bằng công nhận là Nghệ nhân Ưu tú.