Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, trước đây, số cơ sở LNTT, NTT tại tỉnh Hòa Bình còn ít, quy mô hoạt động nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình nên chưa thực sự thu hút lao động địa phương và tạo được đà phát triển kinh tế bền vững. Nhằm từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các loại sản phẩm mới có chất lượng cao, UBND tỉnh Hòa Bình đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể với LNTT.
Theo đó, mỗi làng nghề được công nhận để duy trì, bảo tồn, phát triển NTT sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng và 50% giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến được chuyển giao nhưng không quá 300 triệu đồng. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 8 làng nghề, LNTT với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ 9 làng nghề, LNTT về cải tiến máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý môi trường với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng.
Ông Hà Công Toàn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu, huyện Mai Châu đã được UBND tỉnh công nhận là LNTT, trong đó phát triển NTT dệt thổ cẩm của dân tộc Thái đã trở thành một trong những nghề mũi nhọn, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa giới thiệu mặt hàng truyền thống của địa phương với khách du lịch trong nước và quốc tế”.
Hiện tại, xóm Chiềng Châu đã thành lập HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, với hơn 100 máy dệt, tạo việc làm cho gần 200 lao động. Những sản phẩm của HTX đều được chị em dân tộc Thái làm thủ công bằng tay, đa dạng về mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc như: quần áo, khăn, mũ, chăn, gối, đệm.
Còn tại xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, từ 5-6 hộ làm gỗ lũa tự phát ban đầu, đến nay đã trở thành làng nghề đặc trưng với trên 50 hộ làm nghề cho thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/tháng.
Ông Đoàn Xuân Thành, nghệ nhân gỗ lũa chia sẻ: Sản phẩm chúng tôi làm ra được khách du lịch trong và ngoài nước rất ưa chuộng, mẫu mã đa dạng như: các loại tượng bằng gỗ, đá, bàn, ghế, tủ, kệ… Hiện nay, xóm có 6 nghệ nhân, 60 thợ kỹ thuật lành nghề và gần 300 lao động tham gia sản xuất, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật cũng như sản phẩm phục vụ cuộc sống thường ngày có chất lượng.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được tỉnh chú trọng, thông qua các hình thức đào tạo, tập huấn và lồng ghép trong nhiều chương trình, dự án. Mỗi năm, sản phẩm của các làng nghề đều tham gia hội chợ, triển lãm do tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức. Qua đó, quảng bá thương hiệu, sản phẩm để mở rộng thị trường, duy trì và củng cố các thị trường truyền thống, đồng thời phát triển mạng lưới đại lý, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: “Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có 11 LNTT được công nhận, trên 800 hộ làm nghề và hơn 1.100 lao động được đào tạo, làm việc trong các LNTT”. Bằng những hoạt động thiết thực, NTT, LNTT của tỉnh Hòa Bình đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững. NTT, LNTT đến nay đã trở thành nơi thu hút lao động nông thôn tại cơ sở, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có 11 LNTT được công nhận, trên 800 hộ làm nghề và hơn 1.100 lao động được đào tạo, làm việc trong các LNTT”. Bằng những hoạt động thiết thực, các NTT, LNTT của tỉnh Hòa Bình đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững”. (Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình)