Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 174.664.331 ca nhiễm, trong đó có 1.762.562 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 135.711.359 ca nhiễm và 1.391.203 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 96.314.959 ca nhiễm và 1.437.582 ca tử vong; Nam Mỹ có 55.916.951 ca nhiễm và 1.285.540 ca tử vong; châu Phi có 11.688.050 ca nhiễm bệnh và 252.396 ca tử vong. Châu Đại Dương ghi nhận 5.018.488 ca lây nhiễm và 8.638 ca tử vong.
Hết ngày 25/3, châu Âu ghi nhận 782.482 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 1.808 ca tử vong vì dịch bệnh. Pháp, Anh, Đức là các quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19. Hiện Pháp ghi nhận 24.779.882 ca nhiễm bệnh và 141.564 ca tử vong; Anh có 20.691.123 ca nhiễm và 164.454 ca tử vong. Đức ghi nhận 20.018.465 ca lây nhiễm, trong đó 128.757 ca tử vong vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận thêm 494.447 ca mắc mới và 1.222 trường hợp tử vong mới vì đại dịch. Trong ngày qua, Hàn Quốc vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất châu Á. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 339.396 ca nhiễm, trong đó 392 ca tử vong.
Từ ngày 1/4 tới, Philippines sẽ khôi phục các quy định nhập cảnh như trước khi dịch COVID-19 bùng phát với công dân các nước được yêu cầu thị thực và đã tiêm vaccine liều cơ bản. Phát biểu họp báo ngày 25/3, phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines – ông Kristian Ablan cho biết, người nước ngoài khi nhập cảnh Philippines phải trình giấy chứng nhận đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, ngoại trừ trẻ em 12 tuổi đi cùng cha mẹ là người nước ngoài đã hoàn thành liều cơ bản. Ngoài ra, người nhập cảnh cũng phải cung cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính có hiệu lực trong vòng 48 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính trong phòng thí nghiệm có hiệu lực trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành. Sau khi nhập cảnh, du khách tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày đến. Chính sách mới về nhập cảnh đánh dấu bước đi tiếp theo của Philippines trong nỗ lực mở cửa trở lại với tất cả những người nhập cảnh, bao gồm cả khách du lịch.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có thêm 47.878 ca nhiễm COVID-19 mới và 848 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Costa Rica, Guatemala, Panama…
Tại Nam Mỹ, các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 29.802.257 ca nhiễm, trong đó 658.626 ca tử vong vì COVID-19.
Châu Đại dương ghi nhận có thêm 75.077 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 35 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Australia, New Zealand và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tại châu Phi, Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.710.766 ca nhiễm COVID-19, trong đó 99.939 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm Morocco, Tunisia, Libya, Ai Cập, Ethiopia...
Ngày 25/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Phi không lơ là cảnh giác với dịch bệnh COVID-19 sau khi nhiều nước tại đây đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, nêu rõ đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các nước chỉ nên xem xét giảm bớt các biện pháp phòng ngừa một cách thận trọng. Việc dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng không có nghĩa là không cần cảnh giác với dịch bệnh.
Ông Moeti cũng bày tỏ lo ngại về việc một nửa số nước châu Phi đã ngừng truy vết các trường hợp nhiễm bệnh và hối thúc các nước trong khu vực đẩy mạnh tiêm chủng, dù số ca mắc mới đã giảm đáng kể từ mức đỉnh dịch hồi tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng tại khu vực này nhìn chung vẫn rất thấp./.