Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 25/3, đã có 412.654.423 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 58.941.282 ca bệnh đang điều trị, có 58.881.049 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 60.233 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 227 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Số liệu mới cập nhật trên trang web thống kê worldometers.info cho thấy trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 836.252 ca nhiễm và 1.745 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 173.787.620 ca nhiễm mới và 1.760.484 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Đức, Pháp và Italy có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất châu Âu khi có thêm lần lượt 305.592; 148.635 và 81.811 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực với 418 ca, tiếp sau đó là Đức (261 ca) và Italy (182 ca).
Với 135.202.286 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 25/3, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong một ngày qua, châu lục ghi nhận thêm 669.600 ca nhiễm mới và 1.582 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, Hàn Quốc vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất châu Á với 395.589 ca nhiễm và 470 ca tử vong.
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 96.242.427 ca, trong đó có 1.435.765 ca tử vong và 76.752.123 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 18.153 ca nhiễm và 320 ca tử vong mới do COVID-19, Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất khu vực.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 51.368 ca nhiễm và 512 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 55.886.467 ca và 1.285.075 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất khu vực khi có thêm 37.690 ca nhiễm mới và 300 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 25/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 11.685.296 ca, trong đó có 252.337 ca tử vong và 10.878.293 ca bình phục. 24 giờ qua, Nam Phi có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất khu vực với 2.120 ca nhiễm và 33 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 4.943.172 ca nhiễm (tăng 82.718 ca) và 8.603 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 47 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 63.184 ca nhiễm mới và 35 ca tử vong mới do COVID-19 trong 24 giờ qua.
Sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng cao, các quốc gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, phát triển và tiêm vaccine phòng COVID-19.
Đáng chú ý, một nghiên cứu mới do Viện Karrolinska (Thụy Điển) và Viện Y tế công Na Uy thực hiện công bố trên tạp chí JAMA ngày 24/3 cho biết tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 trong thời kỳ mang thai không liên quan đến nguy cơ biến chứng thai kỳ cao hơn. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ tổng cộng 157.521 phụ nữ sinh con từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022, trong đó gần 20% đã tiêm ngừa COVID-19. Qua đó, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự gia tăng nguy cơ sinh non, chậm phát triển, điểm Apgar thấp khi sinh hoặc nhu cầu chăm sóc sơ sinh ở những phụ nữ có tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong thai kỳ. Bà Anne Ortqvist Rosin, nhà nghiên cứu thuộc Khoa Dược, Viện Karolinska và là đồng tác giả nghiên cứu trên cho rằng “kết quả nghiên cứu này là yên tâm và hy vọng sẽ giúp phụ nữ mang thai sẵn sàng hơn với việc tiêm chủng ngừa COVID-19”.
Trong khi đó, sau khi xem xét các dữ liệu tiêm chủng ở những nước đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em như Israel và Mỹ, Nhật Bản đã phê duyệt sử dụng vaccine của hãng Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12 – 17 tuổi. Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi vào tháng 4 tới, với hy vọng việc tiêm mũi thứ 3 sẽ có hiệu quả giúp chống lại biến thể Omicron có khả năng lây lan cao./.