Cải thiện chất lượng cuộc sống
Xã Yên Than có 8 thôn, với 75% người dân là người DTTS. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi số, cấp ủy, chính quyền đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân.
Chị Lý Thị Thu, một người dân thôn Khe Muối cho biết, hơn năm nay chị đã thành thạo việc sử dụng điện thoại thông minh để vào mạng Internet cập nhật tin tức và tìm hiểu cách nuôi gà, trồng khoai tây theo công nghệ cao.
“Từ khi có điện thoại thông minh, được các bạn thanh niên trong thôn hướng dẫn thực hiện các thao tác ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại, tôi đã tự tìm kiếm được các ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình”, chị Thu hào hứng chia sẻ.
Đại Dực là xã vùng cao của huyện Tiên Yên với 100% người DTTS sinh sống. Việc thực hiện chuyển đổi số là thách thức không nhỏ đối với địa phương. Chủ tịch UBND xã Hoàng Việt Tùng cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền các lợi ích của việc chuyển đổi số đến với người dân, thông qua nhiều hình thức như họp thôn, thông qua hệ thống loa truyền thanh; tổ chức tập huấn cho 7/7 Tổ công nghệ số cộng đồng thôn; hỗ trợ người dân cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập tới người dân...
Được Tổ chuyển đổi số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng các dịch vụ số, anh Lỷ Văn Quạn, thôn Phài Giác, xã Đại Dực đã cài đặt, đăng ký tài khoản ngân hàng, cập nhật sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart để tiêu thụ. Nhờ vậy, sản phẩm ớt chào mào của anh đã được cập nhật lên sàn thương mại điện tử OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Ninh.
"Từ khi được tổ chuyển đổi số cộng đồng của thôn hỗ trợ, cùng với việc tham gia tìm hiểu các quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm ớt của gia đình tôi đã được nhiều người biết đến, đầu ra luôn ổn định. Việc tham gia chuyển đổi số còn giúp người dân chúng tôi tìm hiểu được các thông tin về kỹ thuật trồng trọt, quảng bá sản phẩm của mình đi khắp mọi miền đất nước”, anh Quạn nói.
Hiện 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được truy xuất nguồn gốc trên hệ thống (https://qn.check.net.vn) và được giới thiệu, quảng bá, thương mại điện tử thông qua ứng dụng trực tuyến/sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.
Phục vụ công tác quản lý
Tiên Yên là huyện đầu tiên và có nhiều xã nhất (6 xã) trong tỉnh Quảng Ninh lắp Camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, với 108 mắt tại các trục đường giao thông chính, khu trung tâm và khu dân cư đông người.
Thiếu tá Vi Xuân Tùng - Phó Trưởng Công an xã Yên Than, cho biết: “Từ khi Công an xã được trang bị Camera AI giám sát an ninh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã phối hợp xác minh được 6 vụ việc về tai nạn giao thông; ngăn chặn được nhiều thanh thiếu niên tụ tập gây mất an ninh trật tự, người dân vứt rác bừa bãi trên các tuyến đường...”.
Song song với các mô hình tiện ích trên, hiện nhiều người dân tích cực sử dụng những tiện ích được phát triển từ chuyển đổi số, như: Dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục hành chính; CCCD gắn chíp đi khám, chữa bệnh thay cho BHYT giấy; thanh toán không dùng tiền mặt khi đi mua sắm...
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên Tạ Vĩnh Thắng, cho biết: Huyện đã xây dựng kế hoạch các nội dung cụ thể trong kế hoạch chuyển đổi trong từng giai đoạn, từng năm. Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu tham mưu, đề xuất đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số, đặc biệt là hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin đối với các xã vùng sâu, vùng xa.
Trên thực tế, những kết quả bước đầu, đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng DTTS huyện Tiên Yên. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, thúc đẩy hành trình chuyển đổi số về đích sớm, góp phần phát triển nhanh, bền vững.