Từ Tết Nguyên đán…
Bắt tay khách đến thăm bản thật chặt, anh Đinh Tiến, Trưởng bản Aki cười giải thích, với người Ma Coong, Lễ hội đập trống ngày 16 tháng Giêng (âm lịch) mới là ngày lễ quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của đồng bào. Khoảng 10 năm trở lại đây, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong quá trình hòa nhập với các dân tộc khác, đặc biệt là sự giao lưu văn hóa với người Kinh, các cán bộ lên đây công tác, người miền xuôi lên buôn bán, định cư họ tổ chức ăn Tết rồi mời bà con dân bản cùng ăn, cùng vui. Từ đó, người Ma Coong đã dần đón nhận và ăn Tết Nguyên đán.
“Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào bao đời nay gắn liền với nương rẫy, vì vậy, bà con sẽ làm việc cho đến ngày Tết thì mới nghỉ ở nhà”, Trưởng bản Tiến cho hay.
Dù không có điều kiện để rình rang như người miền xuôi, không bánh chưng, không dưa hành, không câu đối đỏ, không bánh trái tràn đầy, nhưng Tết đến, người Ma Coong thể hiện sự chào đón năm mới bằng cách treo cờ Tổ quốc, dựng cây nêu và tự tay ủ những hũ rượu cần.
Trưởng bản Đinh Tiến nói: “Việc bà con treo cờ Tổ quốc là để ghi nhớ ơn Đảng và Nhà nước đã chăm lo đời sống, giúp bà con có cái ăn, cái mặc, con em được đến trường. Ngày Tết bà con Ma Coong cũng mời nhau uống rượu, nói chuyện và chúc nhau những gì tốt đẹp nhất trong năm mới”.
Đến lễ hội linh thiêng
Sau Tết Nguyên đán, người Ma Coong mới chính thức tất bật, chuẩn bị đón lễ Tết của đồng bào mình, đó là Lễ hội đập trống. Đây là ngày lễ mà họ mong chờ nhất trong năm. Nhiều năm qua, ông Đinh Xon là người được thừa kế quyền tổ chức Lễ hội đập trống của người Ma Coong. Ông cho biết, theo tục lệ của người Ma Coong lễ vật cúng Giàng, được đóng góp từ các gia đình của 18 thôn bản bao gồm: Gà thể hiện cho chăn nuôi bội phát; gạo nếp thể hiện sự được mùa; đọt mây, đọt đoác thể hiện sự kính trọng của người dân đối với núi rừng.
Trong ngày diễn ra Lễ hội, 6 mâm lễ vật được chuẩn bị dâng tế là 18 hũ rượu cần, 18 con gà, 24 con cá, đọt mây, thân cây đoác. Sau phần lễ, ông Đinh Xon phát lễ đập trống. Lúc này tất cả thanh niên trai tráng trong làng thay nhau đập trống và hô to: “Roa lữ Giàng ơi. Roa lữ Giàng ơi” (vui quá, sướng quá Giàng ơi).
Về nguồn gốc của Lễ hội, các vị cao niên người Ma Coong kể rằng, xưa kia, vùng đất của người Ma Coong đang ở bỗng xuất hiện một con khỉ ác. Hằng đêm, khỉ thường vào rẫy ăn hết ngô lúa của bà con trong dân bản. Từ khi con khỉ xuất hiện, người Ma Coong liên tục bị mất mùa, đói kém. Người Ma Coong dùng nhiều cách đuổi khỉ ác nhưng vẫn không thành.
Một đêm, vị già làng nằm mơ thấy Giàng (thần trời) hiện về mách bảo, muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống tiếng thật vọng mang ra đánh khi khỉ ác về phá mùa màng. Làm theo lời mách, người Ma Coong đã làm ngay một chiếc trống có âm thanh vang xa tận sâu trong lòng đại ngàn Trường Sơn. Vào đêm trăng sáng nhất, khi con khỉ ác xuất hiện, dân bản mang trống ra đánh, tiếng trống vang khắp núi rừng khiến con khỉ bỏ chạy và không bao giờ trở lại. Từ đó, người Ma Coong được no ấm, hằng năm họ tổ chức lễ hội đập trống để tưởng nhớ công ơn của Giàng.
Lễ hội đập trống còn có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng được ấm no, hạnh phúc. Theo quan niệm của đồng bào, trong lễ hội này, người nào đánh vỡ được mặt trống là người may mắn nhất! Bởi người đó được Giàng giúp đỡ có được nhiều sức khỏe và của cải.
Đây cũng là dịp để trai, gái người Ma Coong chưa vợ, chưa chồng tìm hiểu và yêu nhau, tình tự mà không bị gia đình ngăn cấm. Đây được gọi là “đêm trời cho”, mỗi năm chỉ có một lần. Cũng nhờ đó, nhiều cặp trai gái đã nên duyên vợ chồng.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bố Trạch cho biết: Ngày 27/8/2019 lễ hội Đập trống của người Ma Coong đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để địa phương tổ chức lễ hội một cách bài bản, quy mô hơn nhằm lưu giữ nét văn hóa của tộc người này. Đồng thời, tạo ra sản phẩm du lịch khám phá đời sống và sinh hoạt văn hóa của các tộc người sinh sống trong Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng…