Nhiều mô hình giúp đồng bào DTTS thoát nghèo
Những năm gần đây, cộng đồng dân tộc Chứt ở bản Ón và bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được những người lính Biên phòng định hướng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, và trồng rừng nguyên liệu. Ban đầu, được cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng định hướng, người dân cũng chỉ nuôi ít gà, lợn để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, sau đó có dư thì mang bán cho những người ngoài xã vào mua. Thấy việc chăn nuôi thuận lợi, người dân bắt đầu xây thêm chuồng trại phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Đến nay, hầu hết các hộ gia đình trong vùng đều có trâu, bò, lợn, gà. Cuộc sống cũng ngày một đổi khác.
Anh Trần Xuân Vinh (dân tộc Chứt) ở bản Ón chia sẻ: Trước đây, cũng như nhiều hộ dân trong vùng, cuộc sống của gia đình anh chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác lâm sản và các khoản trợ cấp của Nhà nước nên cái đói nghèo vẫn luôn đeo bám. Không chỉ vậy, còn phải đối diện với nguy cơ vi phạm pháp luật do khai thác gỗ, săn bắt thú rừng trái phép. Khi được Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương vận động, anh Vinh cùng nhiều hộ trong bản bàn nhau quyết tâm từ bỏ việc khai thác lâm sản để bắt đầu làm quen với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, và trồng rừng nguyên liệu.
“Khu chăn thả gia súc có hàng rào là bộ đội và nhân dân cùng làm. Cuối ngày, đàn bò của cả bản sẽ được nhốt chung ở đây, không sợ thất lạc. Hiện gia đình tôi có 11 con bò sinh sản, mỗi năm mình cũng bán 3 đến 4 con để trang trải cuộc sống gia đình” – anh Vinh chia sẻ thêm.
Tỉnh Quảng Ngãi có gần 15% dân số là người DTTS, những năm qua, các cấp chính quyền đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất và tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Chỉ tay về vùng chuyên canh cây ăn quả ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi, ông Đinh Minh Uông chưa bao giờ nghĩ một hộ người đồng bào DTTS ở miền núi như ông giờ lại trở thành thành viên của hợp tác xã và tham gia trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap. Từng làm nông theo kiểu “làm nay, bán mai” thì nhiều nông dân Xơ Đăng – nhánh Ca Dong như ông giờ đã mang tư tưởng khác.
Ông Uông chia sẻ: Nhờ cán bộ tuyên truyền, vận động ông đã chủ động đóng góp vốn và tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp để trồng ổi, bưởi cùng nhiều loại cây trồng khác. Được địa phương hỗ trợ về nhiều khâu nên các thành viên trong hợp tác xã của ông đang bắt đầu thu lợi từ 10 hecta đất sản xuất. Với giá bán 1 kg ổi 25 nghìn đồng, so với trồng mì thì thu nhập rất cao, cuộc sống đã ổn định, không còn nghèo khó như trước.
Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 DTTS với khoảng 14,2 triệu người (chiếm 14,7% dân số cả nước). Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, triển khai đầy đủ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất đã giúp cho đồng bào DTTS thay đổi nhận thức và nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; có những nơi giảm trên 4%. Đặc biệt, nhiều hộ đồng bào DTTS đã tự giác viết đơn xin thoát nghèo. Cho thấy nhận thức của đồng bào DTTS đã có sự chuyển biến rõ nét.
Anh Hồ Ca (dân tộc Bru Vân Kiều) ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Về việc viết đơn xin thoát nghèo thì vợ chồng đã bàn bạc kĩ lưỡng. Viết đơn xin thoát nghèo để làm sao đó mình phục vụ tốt cho cộng đồng xã hội, phát triển kinh tế, chăn nuôi con bò, con gà, trồng một số keo rừng để phát triển đời sống gia đình. Dù vẫn còn khó khăn, nhưng gia đình luôn luôn xác định và có tinh thần tự giác để làm tốt, nhường cho các hộ khác họ còn nghèo hơn mình nữa.
Có thể thấy, mọi sự thay đổi đều xuất phát từ nhận thức, và khi đồng bào DTTS hiểu được rằng: Cuộc sống no ấm được tạo dựng từ chính đôi bàn tay lao động và ý chí vượt khó của mình, thì một tương lai tốt đẹp rất gần thôi, đang chờ họ phía trước.
Thêm nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), những năm gần đây, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng ở vùng đồng bào DTTS trên cả nước. Từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng ở cơ sở, giúp đồng bào DTTS có thêm động lực và điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, các dự án hỗ trợ sản xuất đã và đang giúp cho đồng bào DTTS nghèo thay đổi tư duy sản xuất và có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719, UBND xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã tập trung nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp để tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây dược liệu, UBND xã đã định hướng người dân tập trung phát triển cây sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm.
Theo anh A Xương (dân tộc Gié Triêng) ở thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô thì trồng cây hồng đẳng sâm cho lợi ích kinh tế cao hơn so với trồng sắn. Gia đình đã trồng được gần 1 ha, sau khi đã khấu trừ đi tất cả chi phí chăm sóc, giống đã thu lãi được hơn 100 triệu đồng, gia đình cũng đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Lê Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Đăk Plô cho biết: Nhờ có mọi nguồn lực, nhất là nguồn vốn của Tiểu dự án 2, Dự án 3 về Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình MTQG 1719 đã góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS trên địa bàn xã. Tính đến nay, hơn 200 hộ đồng bào DTTS được tham gia mô hình phát triển sinh kế trồng hồng đẳng sâm với diện tích 45ha.
Tỉnh Bạc Liêu có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào Khmer chiếm số lượng đông nhất với trên 17.000 hộ, chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hộ trợ vốn để các hộ nghèo phát triển kinh tế nông hộ.
Anh Sơn Ry Thi ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Nhờ các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế nông hộ mà nhiều bà con Khmer trong ấp không còn khó khăn như trước. Tôi thấy chính sách này rất hay, thay vì hỗ trợ tiền thì đào tạo nghề, đồng vốn để họ tự làm ra sản phẩm, bỏ công lao động để kiếm thu nhập cho gia đình. Có như vậy mọi người mới trân quý sức lao động, sản phẩm mình làm ra rồi cố gắng phát triển thêm chứ không trông chờ, ỷ lại nữa.
Theo bà Lý Thị Ly Na - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 và sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS. Đây là yếu tố quan trọng để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Với nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vùng đồng bào DTTS trên cả nước đang từng ngày thay da đổi thịt. Đặc biệt, nhận thức của đồng bào DTTS về công tác giảm nghèo đã được nâng lên, từ đó sử dụng có hiệu quả nguồn lực được hỗ trợ, chú tâm lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Với những kết quả đó, tin rằng chúng ta sẽ thực hiện đạt và vượt mục tiêu Chương trình MTQG 1719 đề ra đến năm 2025 là mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm trên 3%/năm.