Tại xã Đông Thọ, những người phụ nữ dân tộc Mông vẫn giữ được phong tục may, thêu và sử dụng trang phục dân tộc trong cuộc sống thường ngày. Một số gia đình có máy may, để tự may những bộ trang phục truyền thống. Cuộc sống của người dân quen thuộc với sợi lanh, khung dệt, cây kim, sợi chỉ. Những lúc rảnh rỗi, họ lại ngồi dệt vải, thêu váy áo, nhất là vào dịp giáp Tết họ thường tập trung may, thêu trang phục cho bản thân và gia đình. Bất cứ ai nhìn qua cũng đều bị thu hút và yêu thích những bộ trang phục của người Mông, bởi màu sắc đẹp, lạ mắt.
Chị Lý Thị Kia, thôn Tân An, chia sẻ: “Trang phục dân tộc Mông là biểu tượng văn hóa độc đáo, thể hiện sự khéo léo và sáng tạo. Với họa tiết thêu tay tinh xảo và màu sắc rực rỡ, mỗi bộ trang phục không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng câu chuyện về lịch sử, phong tục và tín ngưỡng”.
Trang phục truyền thống của các cộng đồng dân tộc Sơn Dương là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay, giới trẻ xa rời trang phục truyền thống của dân tộc, thế hệ nghệ nhân đang ngày một già đi, lớp người kế cận dường như không còn đang là thực trạng chung của nhiều cộng đồng dân tộc trên cả nước. Nhận thấy đây là một vấn đề đáng báo động, những năm qua, Sơn Dương đã quyết liệt vào cuộc, huy động sự góp sức của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ để bảo tồn và giữ gìn nét đẹp trang phục dân tộc và đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Để giữ gìn trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc, một số trường học tại Sơn Dương đã quy định học sinh mặc trang phục DTTS vào thứ 2 đầu tuần, trong các dịp tổ chức hoạt động ngoại khoá đầu xuân. Các thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước quy định việc mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết, trong các lễ hội truyền thống. Qua đó, góp phần giữ gìn nét đẹp trong trang phục truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc ở địa phương.
Chị Âu Thị Thu Hà, công chức Văn hoá – Xã hội xã Văn Phú cho biết, trong xã có đám cưới là các bà, các chị lại mặc trang phục truyền thống của đồng bào Cao Lan. Mỗi người một việc hộ gia đình cô dâu, chú rể rất vui vẻ. Nhìn bộ trang phục của dân tộc được mọi người mặc trong những ngày lễ trọng đại, ai cũng phấn khởi, tự hào. Đó còn là cách để nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ ở địa phương hãy biết trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Đặc biệt, Sơn Dương đã triển khai hiệu quả Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ năm 2023 đến nay, huyện đã thành lập 6 câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian và hỗ trợ trang phục, đạo cụ để duy trì hoạt động hiệu quả.
Bà Hà Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương, cho biết: Trước sự giao lưu hội nhập, để đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức, trách nhiệm, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn, huyện đã tích cực tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ để tôn vinh giá trị trang phục, đồng thời hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của các CLB, đội văn nghệ. Những hoạt động này không chỉ giúp bảo tồn mà còn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.