Nhiều nỗi lo còn ở phía trước
Vĩnh Châu là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm trên 53% dân số, trong đó số đồng bào đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… khá lớn. Những tháng qua, dịch bệnh bùng phát, khiến cuộc sống càng khó khăn nên ai cũng mong được trở về, được quê hương giang rộng vòng tay đón nhận, chở che.
Nhiều người bày tỏ, không muốn phải xa quê làm việc, vì ký ức luôn sống trong nỗi lo dịch bệnh khiến họ sợ hãi, hoang mang. Nhưng ở quê họ sẽ làm gì để có thu nhập, ổn định cuộc sống, khi không nghề nghiệp, không vốn sản xuất.
Chị Lâm Thị Tuyết Lan ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng vừa đi làm được khoảng 1 tháng thì dịch bệnh bùng phát. Chị đã nghỉ việc gần 4 tháng qua, cuộc sống vốn đã vất vả, nay càng khó khăn hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lan buồn bã nói: “Với phong tục truyền thống về sinh hoạt tín ngưỡng, chúng tôi cân nhắc lắm mới quyết định xa phum sóc, làng quê của mình. Cứ nghĩ hoàn cảnh khó khăn, đi làm vài năm có ít vốn liếng về xây lại ngôi nhà, buôn bán nhỏ chăm lo cha mẹ già, ai ngờ dịch bệnh cứ kéo dài không hết. Chỉ mong được về nhà, nhưng về rồi thì cũng không biết sắp tới sẽ làm công việc gì mà lo cho gia đình”.
Cùng quê Vĩnh Châu, chị Trần Thị Mỹ Đức, dân tộc Khmer, làm lễ tân cho một khách sạn ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Chị đã lên TP. Hồ Chí Minh hơn 1 năm nay, dự định vừa làm lễ tân, vừa kiếm thêm một công việc khác để có thêm thu nhập lo cho đứa em đang học đại học. Nhưng mấy tháng nay, không thể đi làm, bao nhiêu tiền dành dụm đều lo cho việc ăn uống, nhiều tháng thiếu hụt, ở nhà còn phải gửi tiền lên trang trải.
"Cuộc sống khó khăn quá tôi cũng muốn về quê, nhưng về rồi thì không biết làm gì ra tiền, chúng tôi đang hy vọng chính quyền địa phương sẽ có giải pháp, nhất là giải pháp về sinh kế cho chúng tôi để ổn định cuộc sống", chị Đức bộc bạch.
Chung tay vượt khó
Trước thực tế việc làm, thu nhập, cuộc sống của người lao động hồi hương, các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tổ chức rà soát, hỗ trợ an sinh; kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn không đứng ngoài cuộc, trên cơ sở khảo sát thực tế những lao động hồi hương, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động.
Ông Ngụy Bá Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP quốc tế Satraco, (TP. Sóc Trăng),cho biết: Trong thời gian qua, Công ty đã đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch. Công ty đã trao tặng nhiều vật tư y tế, như: Khẩu trang, nước sát khuẩn, máy thở cho các vùng có đông đồng bào DTTS đang sinh sống. Chúng tôi xây dựng kế hoạch hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các gia đình là DTTS khó khăn bị F0 trong dịp hồi hương lần này
"Công ty kinh doanh lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, hiện cũng đang tu sửa, chỉnh trang chờ ngày đón khách nên sẽ cần bổ sung thêm nhân lực. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các mô hình du lịch kết hợp với các tour ngắn gắn với chùa Khmner để đồng bào cùng tham gia ”, ông Tùng chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng (huyện Mỹ Xuyên) cho biết: Từ 25/10, Công ty sẽ thông báo tuyển dụng lao động. Trong đợt đầu, chúng tôi sẽ tuyển 500 lao động. Những lao động có tay nghề, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ mức lương mỗi tháng từ 7 triệu đồng. Với lao động chưa có tay nghề, chúng tôi sẽ đào tạo.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, là tỉnh có đông đồng bào DTTS, những năm gần đây, đồng bào đi tìm việc làm ngoài tỉnh khá đông, vì thế trong những ngày qua, số lao động về quê tránh dịch là người DTTS rất đông. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực bảo đảm chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho bà con trong khu cách ly. Không để cho bất cứ ai thiếu ăn, thiếu điều kiện khám chữa bệnh.
Tỉnh ủy sẽ có chỉ đạo cụ thể các cơ quan chức năng phối hợp, rà soát thống kê cụ thể về số lượng người đã được tiêm vắc xin, trình độ tay nghề để kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động có mong muốn ở lại quê.
Song song đó, tỉnh đã xin tăng cường hỗ trợ từ Bộ Tư lệnh Quân khu về nhân lực y tế, nhằm dập nhanh dịch tại các vùng đồng bào DTTS như thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, để đồng bào sớm ổn định cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.