Trải nghiệm mới mẻ, thú vị
Các nghệ sĩ cải lương đu dây hát trên sân khấu, những tiết mục xiếc ngoạn mục mãn nhãn xen kẽ trong vở diễn... đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lần đầu kết hợp trong tác phẩm “Cây gậy thần”, 2 môn nghệ thuật tưởng không liên quan tới nhau lại hòa quyện nhuần nhị, hấp dẫn, đem lại cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ, thú vị.
"Cây gậy thần" là tích dân gian quen thuộc kể về Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Thế nhưng, đạo diễn đã sáng tạo tình huống độc đáo để cuộc hội ngộ của Chử Đồng Tử với công chúa Tiên Dung nơi bãi sông Chử Xá, rồi nên duyên chồng vợ với nhiều biến cố sau đó. Bên cạnh những dấu ấn khắc họa chân dung Thánh Chử, một tấm gương sáng về trung - hiếu - tiết - nghĩa, người xem còn thấy được công lao to lớn của ngài trong việc tạo dựng nền tảng giao thương giữa bộ tộc Việt với cư dân bốn biển.
Không chỉ được chỉnh lý về mặt nội dung, điều khiến giới chuyên môn và khán giả trầm trồ kinh ngạc là sự kết hợp ăn ý của xiếc và cải lương. Nếu như, những vở cải lương truyền thống chỉ diễn ra trên 1 sân khấu, thì "Cây gậy thần" được diễn ra không chỉ sân khấu chính giữa mà còn ở 3 sân khấu nhỏ xung quanh với những minh hoạ sinh động từ những nghệ sĩ xiếc. Mỗi cảnh diễn lại tạo được những dấu ấn riêng từ cách xử lý kết hợp giữa xiếc, cải lương và hiệu ứng công nghệ.
Sân khấu bên trái là triều đình Lạc Vương, bên phải tái hiện cuộc sống của người dân Chử Xá, sân khấu giữa được biến đổi linh hoạt lúc là cảnh Phật Quang xuất hiện, lúc lại trở thành toà lâu đài tráng lệ của dân làng Chử Xá.
Biến những điều không tưởng thành hiện thực
Sân khấu cải lương vốn ước lệ, sân khấu xiếc lại thiên về trình diễn những tiết mục hình thể công phu. Thế nhưng, mặc dù lần đầu kết hợp 2 loại hình sân khấu nhưng người xem không thấy ranh giới giữa 2 loại hình nghệ thuật này. Ví như, khi tả cảnh ấm no, các hoạt động giao thương diễn ra tấp nập của dân làng Chử Xá, khán giả được thưởng thức mãn nhãn với kỹ thuật điêu luyện, những động tác mạo hiểm của các nghệ sĩ Rạp xiếc Trung ương như: Cuộn, xoay, thả người trên dây lụa; tung hứng; thăng bằng…
Một điều kinh ngạc nữa là, các đạo diễn còn lồng ghép cả Rap - một yếu tố đang được giới trẻ ưa chuộng, khiến sân khấu trở nên sôi động, người xem phải "ồ, à" không ngớt. Vở diễn này đã mở rộng đối tượng khán giả đến những người trẻ, xoá đi định kiến cải lương chỉ dành cho tuổi trung niên, tuổi già và ngược lại, xiếc cũng không chỉ dành cho trẻ em.
Chính những nét mới này, tạo ra sự tương tác mạnh mẽ của khán giả đối với vở diễn, chưa bao giờ người ta xem cải lương lại, trầm trồ thán phục đến như vậy. Sự cộng hưởng này làm hồn cốt của từng môn được tôn lên nhiều hơn, đậm nét hơn, thổi luồng sinh khí mới cho sân khấu. Thế nên, "Cây gậy thần" được nhiều nhà chuyên môn gọi đây là “cuộc hôn phối” chưa từng có để kéo khán giả gần lại với sân khấu nghệ thuật cả 2 loại hình này.
NSND Lưu Phúc, một nghệ sĩ lâu năm của ngành xiếc cho rằng: "Sự kết hợp giữa hai loại hình sân khấu trong "Cây gậy thần" đã phát huy được ưu thế nổi trội của từng loại hình. Đây là xu hướng dàn dựng hiện đại rất đáng khích lệ. Vẫn tiết mục dây lụa của xiếc nhưng đứng riêng lẻ thì hiệu quả không thể tuyệt vời khi đưa vào nội dung và có sự kết hợp của cải lương”.
Bà Lưu Minh Hải, một khán giả 65 tuổi chia sẻ cảm nhận sau khi xem vở “Cây gậy thần”: “Quả thật, từ bé tới giờ, tôi chưa được thưởng thức một vở cải lương nào đặc biệt thế này. Vừa được xem xiếc, vừa được xem cải lương, tuy hai mà một, vừa nhân văn sâu sắc, vừa thú vị, vui nhộn”.
Sân khấu hiện nay, đang dần hình thành một trong những xu hướng tích hợp nhiều thể loại (trong đó có cả những thể loại vốn đã định hình, được coi là có những tiêu chuẩn cứng, khuôn vàng thước ngọc) trong một chương trình nghệ thuật.
Với vở diễn “Cây gậy thần”, các đạo diễn, ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ của hai đơn vị nghệ thuật đã biến những điều không tưởng thành hiện thực. Tác phẩm đã cho thấy sức sáng tạo không giới hạn của các nghệ sĩ và mang đến cho những người yêu sân khấu Việt một kỳ vọng vào sân chơi nghệ thuật mới, đầy hấp dẫn.
"Cây gậy thần” có sự tham gia của ê kíp sáng tạo hùng hậu, gồm: Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên (Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) và Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam); nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trung (sáng tác âm nhạc); họa sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Doãn Bằng (thiết kế mỹ thuật); Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Nam (biên đạo múa)... cùng gần 100 nghệ sĩ, diễn viên xiếc và cải lương kết hợp với nhau trong vở diễn.