Sức mới miền Tây
Cách mấy năm về trước, đến xã rẻo cao Xá Lượng, thuộc huyện 30a Tương Dương, nhiều người ái ngại với những con đường đất chật hẹp, lởm chởm đất đá... Nhưng nay trở lại, nông thôn miền núi Xá Lượng đã đổi thay toàn diện. Các trục đường đến trung tâm các thôn, bản đã được nắn thẳng, đổ bê tông phẳng lỳ, phương tiện giao thông ra vào dễ dàng; các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng khang trang. Và, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đang là động lực về mọi mặt cho bà con về xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống
Chủ tịch UBND xã Xá Lượng Lô Thị Trà My phấn khởi nói: Trước khi xây dựng NTM, xã có xuất phát điểm thấp, đường giao thông khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… Để có những đổi thay như hôm nay, Xá Lượng tập trung vừa kiến thiết xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa tìm giải pháp xóa nghèo, tạo việc làm cho người dân. Xá Lượng về đích NTM năm 2020, là kết quả ngoài mong đợi, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc chung sống trên địa bàn xã sau nhiều năm đồng lòng, chung sức thực hiện phong trào.
Tương tự, là xã khó khăn, xuất phát điểm thấp, năm 2011 xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn chỉ đạt 1/19 tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 72%. Khi mới triển khai chương trình NTM thực sự khó khăn khi một số bộ phận không chỉ là Nhân dân mà còn có cả cán bộ, đảng viên còn tư tưởng trông chờ vào các chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Nhưng năm 2020, Hữu Kiệm đã về đích NTM sau 9 năm nỗ lực vận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình chính sách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị huyện, xã với sự đồng thuận của người dân.
Theo lãnh đạo xã Hữu Kiệm, để có được những đổi thay như hôm nay, xã phải tập trung thực hiện vừa kiến thiết xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa tìm giải pháp xóa nghèo, tạo việc làm cho người dân. Ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm khoe: Nhờ NTM mà 100% các tuyến đường giao thông được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia. Thu nhập đầu người đã đạt 36,24 triệu đồng/người/năm năm 2020; cơ sở vật chất 3 cấp học, hệ thống trạm y tế xã được đầu tư khang trang …
Kết quả đạt được đang là động lực, để một số xã ở huyện nghèo 30a nỗ lực phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu. Nhìn từ xã biên giới Tam Quang, huyện Tương Dương. Đây là xã miền núi đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn NTM. Không tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tam Quang đã tiếp tục chung sức, đồng lòng nâng “chất” các tiêu chí để xây dựng xã NTM nâng cao.
Chia sẻ kinh nghiệm tạo đồng thuận “lòng dân, ý đảng” để về đích NTM và tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, ông Hồ Xuân Tuyến - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết: Là địa bàn biên giới có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, việc khảo sát sự hài lòng của người dân được địa phương coi trọng, qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn mục tiêu cuối cùng của NTM, là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tăng trưởng nông nghiệp bền vững, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
Dồn lực cho giai đoạn mới
Trong chiến lược phát triển, xây dựng NTM miền núi Nghệ An vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các DTTS trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa trong việc hỗ trợ các xã miền núi đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24 ngày 13/12/2020 về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025; trong đó đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ xây dựng các thôn, xóm, bản trên địa bàn các xã miền núi khu vực III và xã biên giới bằng lồng ghép các nguồn lực các Chương trình MTQG thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững.
Để thực hiện xây dựng các thôn, xóm, bản đạt chuẩn trên địa bàn các xã khu vực III và biên giới đạt hiệu quả, ngày 6/6/2022 UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, áp dụng đối với các xã miền núi khu vực III và xã biên giới.
Nghệ An đang phấn đấu đến năm 2025, có 200 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III và xã biên giới đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí. Để thực hiện được mục tiêu đó, nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn này được tỉnh Nghệ An xác định là: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền;
Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Quan trọng hơn, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn… sẽ được coi trọng.
Lãnh đạo văn phòng điều phối NTM Nghệ An cho biết: Sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn NTM, cho các xã đạt dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, nhưng mức đạt chuẩn của một số chỉ tiêu còn chưa cao để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững./.