Theo Trung tâm công nghệ, trong giai đoạn "bình thường mới", mỗi người dân có thể sẽ có một mã QR cá nhân, dùng để quét khi ra vào cơ quan, công sở, cửa hàng hay các địa điểm công cộng. Ngoài ra, ứng dụng trên smartphone có thể hỗ trợ ghi lại các tiếp xúc gần. Những dữ liệu này sẽ được mã hóa và lưu lại trên nền tảng hỗ trợ truy vết F0.
Việc xét nghiệm chốt chặn được thực hiện tại các cơ sở y tế, khi người dân có biểu hiện ho, sốt và đến khám. Dữ liệu xét nghiệm của mỗi người đều được cập nhật lên hệ thống.
Với mô hình này, khi phát hiện F0, nền tảng sẽ có thể lập tức tìm ra những người đã tiếp xúc với ca bệnh, cùng các mốc dịch tễ (những địa điểm mà F0 từng đến cùng thời gian chính xác). Những thông tin này sẽ được chuyển đến cho các đội truy vết tại các địa phương liên quan.
Theo Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19, quy trình này có thể chỉ tốn khoảng vài chục giây, nhằm đảm bảo yếu tố quan trọng nhất của việc dập dịch, đó là thời gian. Ngoài ra, hệ thống sẽ giúp "chỉ điểm" để khoanh vùng dịch bệnh tốt hơn, thay vì phải cách ly cả khu vực như trước đây.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Kiến trúc sư trưởng của Trung tâm phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, cho biết: “Khi một ca F0 vừa xuất hiện, ổ dịch khi đó chỉ mới vài ca cho đến vài chục ca, như các đốm lửa nhỏ. Mấu chốt của vấn đề sống chung với Covid-19 là chúng ta cần lập tức phát hiện ra các ca F0 chỉ điểm để truy vết, gom triệt để các F1, F2, không để các đốm lửa nhỏ bùng lên thành đám cháy lớn. Nền tảng truy vết F0 giúp chúng ta làm được điều đó. Và như vậy, giải pháp 5K+Vaccine+Công nghệ sẽ giúp Việt Nam có được cuộc sống bình thường mới. Dịch thi thoảng vẫn tồn tại chỗ này, chỗ kia, nhưng ở mức thấp, mọi sinh hoạt của chúng ta vẫn có thể diễn ra bình thường”.
Như vậy, Chiến lược này được xem như cánh cửa để mở ra giai đoạn “bình thường mới” trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, mà chìa khóa là công nghệ./.