Đối diện với khó khăn
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 56 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, 12 thôn đặc biệt khó khăn. Như vậy, những đối tượng ở các xã thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, trong đó, có Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 248/2020/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Kể từ tháng 5/2023, các chính sách đặc thù cho giáo dục vùng cao, trong đó có hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non và học sinh bán trú ngày, bán trú tuần theo Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh đã hết thời gian thực hiện. Theo đó, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 10.000 trẻ mầm non và gần 2.500 học sinh tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND.
Trường PTDT bán trú TH&THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên) năm học 2023-2024 có 465 học sinh, trong đó 164 em nhà ở xa trường, hoặc từ nhà đến nơi học địa hình cách trở, không thể đến trường và trở về nhà trong ngày, hoặc không thể về nhà và đến trường giữa 2 buổi học.
“Không còn được hưởng hỗ trợ tiền ăn bán trú cho vùng khó, nhiều học sinh có nguy cơ nghỉ học, nhiều gia đình nỗ lực cho con em đến trường thì bữa cơm mang theo cũng không đảm bảo dinh dưỡng”, cô giáo Nguyễn Thị Kim Xuyên, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết.
Kịp thời trợ lực cho học sinh vùng cao
Nhằm tháo gỡ nút thắt này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 22, ngày 31/10/2023 (Nghi quyết 22), gồm 8 nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non; hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ em mầm non; hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ kinh phí chăm sóc học sinh bán trú; hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh đang học tại cơ sở giáo dục tư thục; hỗ trợ học sinh năng khiếu thể thao; hỗ trợ cho học viên giáo dục thường xuyên...
Xã Đồng Lâm, là một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn của thành phố Hạ Long có 728 hộ dân, với gần 2.800 nhân khẩu, chủ yếu là người Dao Thanh Phán. Trên địa bàn xã Đồng Lâm có khoảng 700 học sinh đủ điều kiện được hưởng chế độ, chính sách mà Nghị quyết 22 vừa ban hành.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm cho biết, với các chế độ, chính sách theo Nghị quyết 22 vừa được ban hành đã kịp thời giải quyết được các vấn đề về giáo dục của địa phương như dồn ghép điểm trường; tình trạng trẻ mầm non không ra lớp; hỗ trợ các cô giáo trông trực đối với các em bán trú, tiền ăn cho các em bán trú...Nhờ đó, chất lượng giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn sẽ từng bước được phát triển, xóa dần khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa miền ngược và miền xuôi.
“Đây là sự quan tâm thiết thực của tỉnh Quảng Ninh đối với các xã mới thoát khỏi xã nghèo; là một chính sách lớn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội cho xã Đồng Lâm nói riêng, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Là một trường còn nhiều khó khăn, trường Tiểu học Vô Ngại (Bình Liêu) có 442 học sinh. Trong đó, có 72 học sinh sẽ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 22 gồm: 57 học sinh bán trú tuần (học bán trú từ thứ 2 đến thứ 6) và 15 học sinh bán trú ngày (bán trú buổi trưa các ngày).
Thầy giáo Lương Dư Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vô Ngại cho rằng: “Bước vào năm học 2023 -2024 thì Nghị quyết 204, 248 hết hiệu lực, nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp tiền ăn cho các con. Điều này khiến nhiều gia đình loay hoay khi cho con em đi học. Giờ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 22, tiếp tục hỗ trợ tiền ăn, mỗi học sinh bán trú đỡ đi khoản chi phí là 740.000 đồng/tháng, nếu gia đình đông con thì là sự hỗ trợ đáng kể”.
Là một trong số những gia đình có con đang học tại trường Tiểu học Vô Ngại thuộc diện được tiếp tục hưởng chính sách này, anh Tằng Sau Lộc, thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại phấn khởi chia sẻ: “Tôi có con học lớp 4 tại trường, quãng đường từ nhà đến trường gần 10km nên việc đưa đón con rất mất thời gian. Giờ được tỉnh tiếp tục hỗ trợ tiền ăn cho cháu học bán trú nên gia đình rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất”.
Trao đổi với ông Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu được biết, theo Nghị quyết 22, huyện có hơn 3.000 lượt đối tượng thuộc 33 thôn của các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Thị trấn, Húc Động, Vô Ngại được thụ hưởng.
“Việc tiếp tục thực hiện chính sách này nhằm hỗ trợ học sinh ở thôn, bản xa về học tại điểm trường chính, góp phần hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, quy mô huy động học sinh ra lớp cũng tăng lên”, ông Vi Tiến Vượng chia sẻ thêm.
Phát triển giáo dục - đào tạo góp phần nâng cao dân trí, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội nói chung, vùng DTTS và miền núi nói riêng. Nghị quyết số 22, ngày 31/10/2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh được ban hành, thực sự mang nhiều ý nghĩa nhân văn, là sự trợ lực quan trọng, góp phần hỗ trợ những học sinh DTTS tiếp tục được đến trường học tập, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.