Xin ông cho biết, vùng miền núi của tỉnh có những tiềm năng, lợi thế gì để phát triển du lịch?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam chiếm trên 74% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 300 nghìn người, chiếm 20,1% dân số cả tỉnh. Riêng đồng bào các DTTS trên 34.000 hộ, chiếm gần 40% dân số khu vực. Trong đó, đồng bào Cơ Tu gần 15.500 hộ, Xơ Đăng hơn 11.500 hộ, Gié Triêng hơn 5.900 hộ, Co hơn 1.650 hộ. Khu vực này có nhiều không gian văn hóa cộng đồng độc đáo về đời sống sinh hoạt, sản xuất, các món ẩm thực truyền thống chế biến từ chất liệu mang hương vị núi rừng... mà du khách có thể cùng người dân trải nghiệm.
Đặc biệt nữa, trên địa bàn có dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhiều sông, suối và đồi núi cao; những cánh rừng nguyên sinh khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành; có hệ thực vật, thảo dược quý mà nổi bật là cây Sâm Ngọc Linh - bảo vật của quốc gia; có cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại cùng các khu di tích lịch sử, có cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc…
Ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam đã hình thành một số điểm đến du lịch như: Bhờ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang), làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng du lịch cộng đồng Đại Bình (Nông Sơn), làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, làng dệt Zơra (Nam Giang), Làng Văn hóa Cao Sơn, Làng Mường (Bắc Trà My), Làng du lịch cộng đồng Mô Chai (Nam Trà My), Làng Văn hóa cộng đồng Ta Lang, Làng Pơ’ning (Tây Giang), Khu du lịch bảo tồn văn hóa Bhnong (Phước Sơn), Khu di tích Phước Trà (Hiệp Đức)...
Với lợi thế tiềm năng du lịch đó, miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, hứa hẹn sẽ là điểm lý tưởng để phát triển sản phẩm du lịch xanh, bền vững, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hiện nay, việc phát triển du lịch miền núi Quảng Nam gặp phải những khó khăn gì cần tháo gỡ, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Để đánh thức tiềm năng du lịch ở miền núi, trước hết cần có giải pháp về đầu tư xây dựng về hạ tầng giao thông; xây dựng các sản phẩm du lịch và yếu tố về nhân lực chất lượng; phải khảo sát xây dựng, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch tại điểm du lịch một cách bài bản, hiệu quả.
Cùng với đó, yếu tố về nhân lực,là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển du lịch. Nguồn nhân lực du lịch phải được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, các kỹ năng làm du lịch, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng…
Cuối cùng, là vấn đề xúc tiến quảng bá, truyền thông với thông điệp “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”; quảng bá, xúc tiến du lịch đa dạng dưới nhiều hình thức, thông qua các nền tảng mạng xã hội và hệ thống du lịch thông minh.
Tuy nhiên, du lịch miền núi Quảng Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế với những đòi hỏi trên, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, có nhiều điểm du lịch tại các huyện miền núi không thể đón xe khách 45 chỗ. Khoảng cách giữa các điểm du lịch còn khá xa, điều này trở thành rào cản không nhỏ để phát triển tour tuyến du lịch. Sản phẩm du lịch ở các địa phương còn có sự trùng lặp; làm cho việc kết nối, tạo sản phẩm thực sự độc đáo để du khách hào hứng với những chuyến khám phá đại ngàn vẫn chưa được như mong đợi.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động vẫn còn hạn chế về chất lượng và số lượng. Nhiều nơi làm du lịch tự phát, chưa được quy hoạch, đầu tư bài bản; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan...
Nói tóm lại, so với tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch miền núi Quảng Nam chưa thực sự được đầu tư tương xứng, hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch.
Với những khó khăn, hạn chế đã được nhận diện, Quảng Nam đang có giải pháp, cách làm nào để tháo gỡ nhằm "đánh thức" du lịch miền núi của tỉnh?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Thời gian qua, các cấp, lãnh đạo tỉnh và 9 huyện miền núi cũng đã quan tâm phát huy tối đa lợi thế của địa phương để phát triển. Trong đó, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh. Nhờ đó, nhiều sản phẩm du lịch đã được đầu tư và được đón nhận, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch khu vực miền núi, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách trong và ngoài nước.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh. Bên cạnh các bộ tiêu chí về phát triển du lịch xanh, Quảng Nam cũng đã ban hành Nghị quyết về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025; Kế hoạch Kế hoạch về phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam đến năm 2025.
Theo đó, các sở, ngành và địa phương phải quan tâm tham mưu đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối đồng bộ để tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi; trong đó ưu tiên đầu tư các công trình tạo sự đột phá cũng như xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với du lịch.
Phấn khởi là, trong 3 năm gần đây, địa phương cũng đẩy mạnh triển khai Dự án 6 Chương trình MTQG về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là động lực quan trọng để thực hiện công tác sưu tầm, bảo tồn di sản vùng cao, qua đó làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch cho địa phương nói chung, và các huyện miền núi của tỉnh nói riêng.
Ngoài ra, Sở phối hợp với các địa phương, tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo nhằm kết nối để hướng đến những tour du lịch hoàn chỉnh. Có thể nói, đây được xem là một trong những giải pháp đầu tiên nhằm từng bước tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, không còn tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm”, cùng nhau kết nối để tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững của du lịch miền núi…
Trân trọng cảm ơn ông!