Độc đáo phong tục đón Tết
Đối với người dân tộc Tày, Nùng, Tết Nguyên đán là dịp lễ hội lớn. Từ 27, 28 tháng Chạp, đàn ông sẽ sửa soạn, trang trí nhà cửa, dựng cây nêu trước nhà, dán giấy đỏ trước cổng nhà và bàn thờ gia tiên. Người Tày có tục buộc 4 cây mía vào 4 góc chân bàn thờ để mời tổ tiên chống gậy về ăn tết cùng con cháu. Chiều 30 Tết, người Tày mang những nông cụ làm rẫy vệ sinh sạch sẽ, đặt dưới bàn thờ gia tiên cùng thờ cúng trong 3 ngày Tết. Đàn ông sẽ sửa soạn một mâm cỗ, gồm con gà trống thiến và các loại bánh, trái cây để đi tết ba mẹ vợ.
Người phụ nữ Tày, Nùng phụ trách đi chợ, gói bánh chưng, chuẩn bị các loại bánh mứt, mâm cúng và thức ăn ngày Tết. Cỗ cúng ông bà ngày Tết gồm một mâm cơm mặn có thịt gà, thịt heo, lạp xưởng, bánh chưng và mâm chay gồm các loại bánh khảo, bánh khẩu sli, pẻng tấu (bánh tro), pẻng tải (bánh gai), bánh lam, xôi ngũ sắc, bánh giầy… Ngoài ra, mâm cơm ngày tết còn có món thịt heo khâu nhục, heo quay mắc mật truyền thống. Việc chuẩn bị mâm cúng ngày Tết sẽ thể hiện được sự khéo léo, đảm đang và trưởng thành của người phụ nữ dân tộc Tày.
Bà Hoàng Thị Sen, 58 tuổi, người dân tộc Tày, ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly, cho biết: Sau một năm làm việc thì ngày Tết là dịp để mọi người trong gia đình, thôn xóm cùng tụ họp vui Xuân. Mỗi nhà đều chuẩn bị thật nhiều thức ăn ngon, bình rượu quý để tiếp khách. Ngay khi kết thúc mùa lúa rẫy, tôi đã nấu 2 mẻ rượu ngon, được ủ bằng men lá theo công thức gia truyền của người Tày. Ngoài ra, tôi cũng đã mua sẵn gạo nếp, mè, mật đường và chuẩn bị lá dong gói bánh. Thường thì từ 27 - 28 Tết, người trong thôn sẽ cùng nhau giã gạo, làm bánh chuẩn bị Tết.
Tháng Giêng vui lễ hội
Theo quan niệm của người Tày, Nùng, ngày Tết là dịp để gia đình sum họp, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để mọi người trong thôn, buôn xích lại gần nhau, gạt bỏ nỗi buồn năm cũ để bắt đầu cho một năm mới tốt đẹp hơn. Sáng mùng 1, mọi người đến nhà nhau chúc Tết, vui hội đến hết tháng Giêng.
Người dân tộc Tày, Nùng có lễ hội lồng tồng (lễ xuống đồng), thường được tổ chức từ mùng 4 Tết đến hết rằm tháng Giêng. Lễ xuống đồng nhằm đánh dấu ngày làm việc đầu tiên của năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong phần lễ, họ sẽ chuẩn bị 9 mâm cỗ, gồm 1 mâm chính và 8 mâm phụ, cùng nhiều lễ vật cúng tế trời đất. Tuy nhiên, phần lễ phức tạp đã được lược bỏ, chỉ duy trì phần hội, với các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, hát then, hát lượn, múa dân vũ, múa sư tử…
Hoạt động lễ hội được tổ chức luân phiên giữa các thôn, buôn trong vùng, cũng như các khu vực lân cận. Đây cũng là dịp để thanh niên có dịp gặp gỡ, tìm hiểu nhau thông qua những câu hát lượn, giao duyên, đối đáp. Nhìn chung, cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình. Họ mong muốn được phục dựng, duy trì các lễ hội truyền thống, truyền cho con cháu đời sau.
Theo ông Nguyễn Đình Sao - Người có uy tín thôn Tân Lập, xã Ea Ly, cộng đồng người Tày, Nùng sinh sống tại Ea Ly chủ yếu từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào. Nhờ các chính sách định hướng, ưu tiên của Nhà nước nên đời sống của bà con ngày càng ổn định và phát triển. Năm nay mưa thuận gió hòa, ruộng rẫy đều cho thu nhập cao nên bà con chuẩn bị đón Tết vui tươi, phấn khởi. Nét đặc sắc trong phong tục đón Tết của người Tày, Nùng ở Ea Ly là lễ xuống đồng với các trò chơi dân gian truyền thống nhằm tạo sự gắn kết trong cộng đồng; thể hiện khát vọng về sự hòa hợp của trời đất và mong ước một năm mới thật nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu.