Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, việc chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào DTTS tại Tây Nguyên luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp tích cực triển khai với nhiều hoạt động, cách làm thiết thực, hiệu quả để mọi gia đình đều có Tết.
“Không để ai không có Tết”
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Quang Thuân cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng UBND tỉnh dành kinh phí hơn 76,3 tỷ đồng để thăm và tặng quà cho 148.632 tập thể, cá nhân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, tăng hơn 30 tỷ đồng so với năm 2022. UBND tỉnh đã rà soát và đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 1.015 tấn gạo để cứu đói cho 18.076 hộ với 67.674 nhân khẩu trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định đời sống Nhân dân, giúp mọi người dân trong tỉnh, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào DTTS nghèo đều được vui Xuân, đón Tết đầm ấm.
Ngay từ giữa tháng 12/2022, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã sớm xây dựng kế hoạch thăm hỏi, biểu dương các hộ DTTS tiêu biểu nhân dịp Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, 520 hộ DTTS tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực tại 22 xã thuộc tỉnh Kon Tum được trao tặng với mức 1 triệu đồng/hộ.
Tỉnh Ðắk Nông đã quyết định chi từ nguồn ngân sách gần 8 tỷ đồng để thăm, tặng quà, hỗ trợ cho các đối tượng là gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... trong dịp đón Tết cổ truyền Quý Mão. Ngoài ra, tỉnh Ðắk Nông kêu gọi và trao tặng hơn 27.000 suất quà cho các đối tượng là gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội...; hỗ trợ 25 căn nhà trị giá 70 triệu đồng/căn; tặng 220 thẻ bảo hiểm y tế; tặng 40 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng/suất; đồng thời tổ chức 5 điểm chợ nhân đạo tại 4 huyện, thành phố với 1.000 phiếu đổi hàng miễn phí... với tổng giá trị số tiền vận động phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Quý Mão năm 2023 là 19,2 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Ðồng Lê Thị Thêu cho biết, Tết Nguyên đán Quý Mão, từ nguồn ngân sách bảo đảm xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố; nguồn Quỹ Vì người nghèo, toàn tỉnh Lâm Ðồng đã hỗ trợ hơn 34,2 nghìn người có công, gia đình chính sách; hơn 38,8 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội và hơn 20 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng. Cùng với quà tặng của tỉnh, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tổ chức các chương trình ủng hộ, thăm hỏi và tặng quà Tết đối với các địa phương còn khó khăn.
Hân hoan đón một cái Tết ý nghĩa, vui tươi
Tết này, gia đình anh Rơ Châm Gỡ, làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai được dọn về ở trong ngôi nhà mới khang trang do Công ty Thủy điện Ia Ly phối hợp Công đoàn Ðiện lực Việt Nam và chính quyền địa phương trao tặng. Gia đình anh Gỡ thuộc hộ nghèo, đời sống rất khó khăn do không đất sản xuất, không có việc làm ổn định. Hằng ngày, vợ chồng đi làm thuê để lấy tiền chăm lo cho hai con nhỏ và bố mẹ già yếu. “Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà tạm dột nát. Ðược Công ty Thủy điện Ia Ly hỗ trợ 70 triệu đồng, rồi anh em, dòng họ, xóm làng giúp đỡ vật liệu, ngày công, gia đình tôi xây dựng căn nhà vững chắc. Ngày khánh thành nhà vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình tôi còn được Công đoàn Ðiện lực Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể huyện tặng chiếc Tivi và nhiều đồ dùng sinh hoạt nên tôi rất hạnh phúc. Tết này là cái Tết thật sự ấm no với gia đình tôi”, anh Gỡ xúc động cho biết.
Những ngày giáp Tết, cùng Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ðắk Lắk, các đoàn từ thiện về các địa phương thăm, tặng quà cho các hộ nghèo, đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn mới cảm nhận hết cuộc sống khó khăn của người dân và niềm vui mừng khi nhận được quà Tết, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với người dân trong những ngày Tết đến, Xuân về.
Gia đình chị H’Xuân Niê ở xã Ea Huar, huyện Buôn Ðôn có hoàn cảnh rất khó khăn. Những năm trước đây, vợ chồng chị gửi hai người con nhỏ cho gia đình bên ngoại chăm sóc để vào tỉnh Bình Dương làm công nhân cho một doanh nghiệp may mặc. Bình quân mỗi tháng anh chị dành dụm được 6 triệu đồng gửi về nuôi con ăn học. Dịch Covid-19 ập đến, năm 2021 cả hai vợ chồng mất việc và dẫn dắt nhau về quê sinh sống từ đó đến nay. Cả gia đình 4 người chỉ dựa vào 3 sào rẫy trồng cây ngắn ngày, buộc anh chị phải đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Mặc dù Tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề nhưng trong nhà không có một thứ gì đáng giá. Vì vậy, khi nhận được 600.000 đồng từ Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup hỗ trợ khiến anh chị rất xúc động.
Chị xúc động nói: “Số tiền hỗ trợ với gia đình tôi vào thời điểm này quan trọng lắm! Tôi sẽ dành dụm mua các thực phẩm thiết yếu cho cả gia đình trong những ngày Tết và sẽ cố gắng kiếm tiền mua cho các cháu bộ áo quần mới để vui Tết với bạn bè. Sau Tết, vợ chồng tôi sẽ bàn bạc kiếm kế làm ăn để lo cho cuộc sống ngày càng tốt hơn!”.
Cùng với hoạt động thăm, chúc Tết và tặng quà, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức tại Lâm Ðồng đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa, mang đến cái Tết vui tươi, đầm ấm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, như Hội Xuân miền sơn cước, Xuân yêu thương, Chợ Tết nhân ái, chương trình “Xuân ấm áp - Tết sẻ chia”, chương trình “Mừng Xuân, ơn Ðảng; Tết Sum vầy - Xuân gắn kết”; gặp mặt, tặng quà Tết Người có uy tín trong đồng bào DTTS...
Già làng, Người có uy tín K’Blôm, huyện Lạc Dương, Lâm Ðồng cho biết: “Ðảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Với vai trò của mình, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xóa bỏ tập tục không còn phù hợp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng văn minh”.
Trong chuyến đi thăm, chúc Tết mới đây đến các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, đồng chí Trần Ðức Quận, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Ðồng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm hỗ trợ, tổ chức tốt các hoạt động để người dân địa phương được vui Xuân, đón Tết an toàn, đầm ấm, hạnh phúc và an vui, với phương châm “tuyệt đối không để hộ gia đình nào không có Tết”.
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên đang háo hức chờ đón Xuân Quý Mão với niềm tin và hy vọng vào những thắng lợi mới về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong năm bản lề 2023.