Những ngày cuối tháng 11/2021, chúng tôi có dịp ghé thăm mô hình trang trại chăn nuôi trâu bò vỗ béo của gia đình anh Nguyễn Hồng Ca, dân tộc Mường, ở xã Quy Mông. Đây là một trong những hộ gia đình có mô hình chăn nuôi hiệu quả, đem lại thu nhập cao.
Dẫn chúng tôi đi tham quan thực tế, anh Ca cho biết, 2 năm trở lại đây, gia đình anh bắt đầu áp dụng mô hình chăn nuôi chuồng trại, vỗ béo cho đàn vật nuôi. Chăn nuôi theo hình thức này tốn ít thời gian, mỗi ngày anh chỉ mất vài tiếng cho trâu, bò ăn và vệ sinh chuồng trại, còn lại thời gian có thể làm những công việc khác.
“Thức ăn cho trâu bò chủ yếu là cỏ voi, cây ngô, cám ngô, cám gạo nấu lên. Trung bình 1 ngày trâu, bò sẽ ăn khoảng 3 kg cám ngô, gạo. Riêng với cỏ tươi là 25 kg cho trâu và khoảng 15 kg cho bò. Ngoài ra, gia đình sẽ tận dụng từ rơm rạ, cỏ người dân không sử dụng đến làm nguồn thức ăn dự trữ”, anh Ca cho hay.
Đàn gia súc của gia đình anh Ca, con nào cũng béo múp với chiếc bụng căng tròn. Hiện, gia đình anh có 28 con trâu, bò. Trung bình mỗi lứa sẽ xuất bán khoảng từ 8 - 10 con. Cứ xuất hết lứa này anh lại lấy lứa mới về chăn nuôi. Trừ mọi khoản chi phí, gia đình anh thu về khoảng 2 triệu đồng/con.
Được biết, sắp tới, gia đình anh sẽ xây dựng thêm chuồng trại để tăng số lượng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi lên khoảng 50 - 100 con, giúp tăng thu nhập mỗi tháng.
Cũng giống như anh Ca, gia đình anh Nguyễn Xuân Khải, đã áp dụng phương pháp chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng để vỗ béo được hơn 4 năm nay. Anh cho biết, so với việc chăn nuôi gà, lợn, thì nuôi trâu bò mang lại nguồn kinh tế ổn định hơn.
“Tôi đến các xã vùng sâu, vùng xa tìm mua những con trâu gầy, sau đó về nuôi, vỗ béo. Nuôi theo hướng này thực sự hiệu quả, chúng tôi có thể tận dụng nguồn thức ăn từ rơm, cám kết hợp trồng cỏ voi. Sau khoảng 1,5 tháng là đàn trâu có thể xuất chuồng”, anh Khải cho biết.
Với việc chăn nuôi theo mô hình này, trung bình mỗi năm gia đình anh Khải thu về khoảng 200 - 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, với mô hình nuôi trâu sinh sản, 1 năm được 1 con, trâu đực bán khoảng được 30 triệu/con, trâu cái bán 25 triệu/con.
Theo anh Khải, để bảo đảm phòng dịch tốt cho trâu, bò, 1 năm sẽ tiêm vắc xin 2 lần phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Đây là 2 bệnh thường xuyên gặp phải của đàn vật nuôi.
Quy Mông là xã có 48% là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao, Tày. Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng vỗ béo được nhân rộng khắp các thôn.
Theo thống kê của UBND xã Quy Mông, hiện xã có tổng đàn gia súc là 3.483 con. Trong đó, đàn trâu là 385 con (chăn nuôi theo mô hình trang trại 10 con trở lên là 5 mô hình); đàn bò là 44 con.
Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết, chăn nuôi trâu bò theo hướng chuồng trại, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, trung bình người dân được lãi 1,5 - 2 triệu đồng/tháng/con.
“Bên cạnh việc mang lại thu nhập cao về kinh tế, giúp các hộ quay vòng vốn nhanh, thì mô hình chăn nuôi chuồng trại còn giải quyết được nhiều tồn tại, giảm tình trạng thả rông gia súc, tăng hiệu quả quản lý đàn trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, tận dụng được nguồn phụ phẩm để tái đầu tư...”, ông Trung cho biết thêm.