Mở rộng sản xuất
Xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển dược liệu, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng. Nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn xã đã phát triển dược liệu và nhận được kết quả khả quan.
Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Hợp tác xã Nông nghiệp - Dược liệu và Dịch vụ thương mại Thịnh Phát xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong mạnh dạn chuyển hướng trồng thêm cây dược liệu bên cạnh các cây trồng khác. Đến nay, HTX vẫn đang trồng một số cây dược liệu quý, mang lại giá trị cao như sâm bố chính, sâm dương quy, đinh lăng… với diện tích khoảng 30ha.
Bà Nguyễn Thị Toản, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dược liệu và Dịch vụ thương mại Thịnh Phát cho biết: HTX hiện có hơn 200 thành viên. Qua tìm hiểu được biết, sâm bố chính có nhiều hoạt chất quý, có giá trị cao trong việc điều trị nhiều chứng bệnh và bồi bổ cơ thể, chúng tôi trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ. Thu hoạch lứa đầu thấy chất lượng củ đạt cao, chúng tôi mở rộng diện tích.
Đến nay, HTX có 30 hộ trồng dược liệu, chủ yếu sâm bố chính, mỗi năm thu hoạch vài tấn sâm tươi. Trên diện tích đất của HTX khoảng 100ha, chúng tôi xoay vòng vừa trồng rau củ, vừa trồng dược liệu. Để đảm bảo đầu ra cho cây dược liệu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho các thành viên, HTX liên kết, ký hợp đồng dài hạn với các công ty thu mua và đầu tư trang thiết bị, máy móc chế biến dược liệu đạt chất lượng cao hơn.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về dược liệu, nhiều HTX, người dân trên địa bàn xã Quảng Sơn đã chuyển đổi trồng cây dược liệu hình thành vùng nguyên liệu dược liệu của tỉnh. Huyện Đắk Glong đã đưa vào quy hoạch 5ha đất xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu trên địa bàn xã Quảng Sơn nhằm đảm bảo ổn định, bền vững, hài hòa, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa không ảnh hướng đến cây trồng lợi thế của địa phương, diện tích trồng cây dược liệu.
Bà Hoàng Thị Hồng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đắk Glong cho biết: Đắk Nông là 1 trong 11 tỉnh được Chính phủ lựa chọn để thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030.
Trong đó, huyện Đắk Glong có 61 thôn, bon, ttrong đó, có 30 bon đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, cùng với những tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu, địa phương được đánh giá có nhiều thuận lợi để phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. Đến nay, UBND huyện Đắk Glong đã định hướng quy hoạch vùng trồng dược liệu quý cũng như xây dựng nhà máy chế biến dược liệu giai đoạn 1 tập trung chủ yếu tại xã Quảng Sơn và Đắk Ha. Đây là 2 xã có điều kiện tự nhiên, khí hậu đất đai phù hợp với việc trồng và phát triển cây dược liệu.
Tạo sinh kế mới
Việc trồng, sản xuất và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện Đắk Glong đã cho thấy, trồng dược liệu mở ra cơ hội mới trong việc phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra cho sản phẩm dược liệu chưa đảm bảo, các HTX, bà con nông dân trên địa bàn huyện mong muốn xây dựng chuỗi liên kết phát triển dược liệu.
Ông Y Krơng, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Nguyên Phát, xã Quảng Sơn cho biết: HTX có 18 thành viên chính thức và liên kết 61 hộ đồng bào DTTS trong bon Rbút, Ndoh. HTX chủ yếu trồng cà phê, tiêu, nhưng giá cả không ổn định nên đời sống bà còn còn khó khăn.
Hiện nay, ngoài diện tích cà phê, tiêu, HTX còn hơn 60ha đất trống đang thực hiện liên kết với doanh nghiệp trồng và phát triển dược liệu. “Chúng tôi mong dự án sớm được triển khai để đưa dược liệu vào sản xuất. Kỳ vọng việc tạo sinh kế từ dược liệu có thể giúp bà con nơi đây thay đổi cuộc sống ngày càng tốt hơn”.
Tương tự, với diện tích đất rừng và rừng 1.200 ha, Hợp tác xã Nông nghệp - Dịch vụ - Thương mại Hợp Tiến có nhiều điều kiện phát triển dược liệu dưới tán rừng, đất sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghệp - Dịch vụ - Thương mại Hợp Tiến cho biết: Trong số thành viên HTX, thì có hơn 50 % đồng bào DTTS.Cách đây 3 năm, một số thành viên HTX đã trồng một số cây dược liệu như sâm bố chính, sâm đương quy, nhưng thiếu quy chuẩn, quy trình chăm sóc và đầu ra không đảm bảo nên việc trồng dược liệu chưa hiệu quả. Tham gia Dự án phát triển dược liệu, thành viên HTX cũng như bà con nông dân ở đây rất mong muốn dự án đi vào thực tiễn.
“Chúng tôi xuất thân từ nông dân, mong muốn lớn nhất của người nông dân là sản xuất trên chính mảnh đất của mình để làm giàu cho bản thân, làm giàu cho xã hội. Tiềm năng phát triển dược liệu ở đây rất lớn, nếu được đầu tư bài bản, tạo chuỗi liên kết, dược liệu sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”, ông Thoại bộc bạch.
Để phát triển dược liệu bền vững, thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 đã xây dựng Tiểu dự án 2, Dự án 3: Hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc.
Đây là dự án đầu tiên về phát triển dược liệu trong nước, được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dự án xây dựng chuỗi liên kết tuần hoàn từ giống, vật tư đến bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Mới đây, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tập huấn chia sẻ kinh nghiệm truyền thông nâng cao, xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thu hút đầu tư vùng đồng vào DTTS và miền núi nhằm nâng cao nhận thức cho HTX, người dân vùng Dự án.