Nhờ đó, nhiều năm liền trên địa bàn không xảy ra các dịch bệnh quy mô lớn; người dân được khám, chữa bệnh ngay tại tuyến, từng bước tạo được niềm tin của người dân.
Những cánh tay nối dàiChị Nguyễn Thị Lệ Chuyên, dân tộc Tày, đã có mười năm liền là nhân viên y tế ở thôn Tủm Tó, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn) cho biết, công việc của nhân y tế thôn cũng khá nhiều, từ giao ban chuyên môn đến tham gia cân trẻ định kỳ, tuyên truyền y tế dự phòng vào ngày họp thôn; hằng tuần, bố trí hai, ba ngày đi đo huyết áp; vận động nhân viên dân ăn uống hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêm phòng định kỳ cho trẻ em trong độ tuổi, khám thai định kỳ cho phụ nữ; thăm khám cho bà con… Nhiều hôm đang dọn cơm thì người trong bản gọi báo có ông cụ bị ngất hay có người tai nạn lao động, bỏng... chị lại bỏ dở bữa cơm, vội đến để sơ cứu ban đầu, cùng với người thân đưa người bệnh lên trạm y tế xã, hoặc gọi bác sĩ ở trạm đến xử lý, cấp cứu…
Thống kê của ngành y tế tỉnh Bắc Kạn cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh, tất cả các thôn, bản đều có nhân viên y tế được đào tạo kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe, thực hiện tốt các chức năng được quy định về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyên truyền vận động, vệ sinh môi trường, sơ cứu ban đầu… cho nên nhiều năm qua không có dịch bệnh lớn xảy ra, ý thức tự phòng, chống bệnh của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao được nâng lên, cơ bản chấm dứt tình trạng tìm đến cầu cúng khi có bệnh.
Tạo nền tảng vững chắcTrạm Y tế xã Bằng Lãng được đầu tư khang trang với hai dãy nhà, có vườn thuốc nam xanh tốt, trang thiết bị y tế cũng được đầu tư khá đồng bộ, đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Chỉ với bốn cán bộ (một bác sĩ, hai y sĩ, một điều dưỡng), toàn bộ 22 chương trình, nội dung hoạt động của trạm y tế xã được thực hiện tốt, 100% số dân trong xã có thẻ bảo hiểm y tế. Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi, phụ nữ mang thai được tiêm vắc-xin đầy đủ; không còn tình trạng tự sinh nở tại nhà, không để xảy ra chết mẹ và trẻ sơ sinh, không có dịch bệnh lớn. Trạm luôn kết hợp với y tế thôn, bản truyền thông dinh dưỡng, thực hiện các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống lao, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống mù lòa, khám cho học sinh tại từng thôn, bản định kỳ hai lần/năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay nhiều trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khá linh hoạt trong việc áp dụng những mô hình, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Như Trạm Y tế xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông đã xây dựng phòng khám "thân thiện" với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, tạo không khí tươi mới, giảm áp lực, căng thẳng cho người bệnh, nhất là trẻ nhỏ. Các y, bác sĩ kết hợp khám, chữa bệnh với trò chuyện, động viên, giúp cho việc triển khai các hoạt động can thiệp như tiêm chủng, sơ cứu ban đầu rất thuận lợi. Kết quả khám, chữa bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia của Trạm Y tế xã Nguyên Phúc luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ mô hình như ở xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông đã nhân rộng phòng khám thân thiện ra Trạm y tế các xã Vi Hương, Ðôn Phong, Lục Bình và bệnh viện huyện.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn TS Nguyễn Ðình Học cho biết: Ðến nay, tất cả 122 xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều đã có trạm y tế, trong đó có 93 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 110 trạm có bác sĩ, trang thiết bị y tế được đầu tư khá đồng bộ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám, chữa bệnh thông thường cho nhân dân. Tỉnh chủ trương tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có bác sĩ, những trạm ở gần trung tâm y tế huyện, thành phố và bệnh viện đa khoa tỉnh, thì hằng tuần Trung tâm y tế huyện cử bác sĩ luân phiên xuống các trạm này khám, chữa bệnh cho nhân dân.
TUẤN SƠN