Một cây đoák có thể lấy nước làm rượu tà vạtChúng tôi theo chân ông Tơ Ngôl Nhứn (71 tuổi), thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, người đã có thâm niên trong nghề khai thác rượu tà vạt. Vượt qua con suối Đắc Ry, tay ông Nhứn thoăn thoắt phang hết những cành cây ngáng qua đường. Khi chân chúng tôi đã mỏi, cây đoák đã hiện ra trước mắt.
Cây đoák có thân thẳng đứng, giống cây dừa, có buồng giống cây đủng đỉnh và cây đoák thường mọc ở những vùng ven con suối trong rừng. Và chúng tôi may mắn được trải nghiệm cách thu hoạch rượu tà vạt từ thân cây đoák của cư dân Tà Riềng trên vùng Trường Sơn này.
Theo lời ông Tơ Ngôl Nhứn, hằng năm cứ vào mùa con chim rừng cất tiếng kêu “bắt cô trói cột”, khoảng từ tháng 2 đến tháng 3 là thời điểm cây đoák ra buồng trổ hoa có lượng nước dồi dào và ngọt lịm. Lúc này, bà con người Tà Riềng tất bật thu hoạch từ thân cây đoák để lấy nước làm rượu tà vạt uống giải khát.
Ông Tơ Ngôl Nhứn khai thác rượu tà vạt từ cây đoákCông đoạn lấy nước từ cây đoák rất công phu và mất nhiều thời gian. Để leo lên cây đoák đang độ trưởng thành cao hơn 10 mét, ông Nhứn phải làm thang bắc lên cây đoák. Sau đó, ông chọn những buồng to nhất để chặt cuống buồng rồi đặt chiếc phễu bằng lá cây, hứng dòng nước trào ra vào một can nhựa được buộc sẵn phía dưới. Cùng lúc, ông Nhứn móc trong túi áo ra vài cọng vỏ cây chuồn khô bỏ vào trong bình nhựa, rồi dùng lớp vỏ mỏng của cây gọi là bùi nhùi và vải lưới bịt lại nhằm bảo quản nước.
Theo lời ông Nhứn, một cây đoák có thể lấy nước làm rượu tà vạt quanh năm, nhưng tốt nhất lấy trong mùa cây đã ra hoa rồi kết quả từ tháng 3 đến tháng 7. Nếu lấy cây nhỏ, rượu sẽ không ngon và cây cũng không thể phát triển được.
Những cây đoák khai thác lần đầu một ngày sẽ thu từ 12 đến 15 lít nước. Cây càng lớn, càng to thì lượng nước ít hơn. Nước cây đoák có màu trắng đục, hương thơm dịu. Khi thu hoạch rượu xong rồi phải lấy lá cây hay vải lưới cột vào than cây để tránh côn trùng bám vào để bảo quản cho những lần khai thác sau.
Phải mất khoảng nửa ngày, thì cây mới tiết ra hết nước. Lúc này, chỉ việc leo lên thang đem bình nhựa xuống. Khi muốn tiếp tục lấy nước, dùng rựa hay con dao chặt một vào cây một miếng mỏng và hứng bình nhựa khác vào để ngày hôm sau đến lấy.
Rượu tà vạt được dùng trong các lễ hội, đón tiếp khách quý.Người Tà Riềng bỏ vỏ cây gỗ chuồn vào nước cây đoák, nó sẽ tạo men tạo ra thức uống có hương vị ngọt đắng, tê tê. Tùy theo sở thích của mỗi người, mà bỏ lượng vỏ cây chuồn nhiều hay ít. Vì cây rừng không có chất bảo quản nên rượu tà vạt từ thân cây đoák cũng chỉ dùng được trong một ngày, uống rất thơm ngon mà không bị đau đầu. Đặc biệt, đây còn là một dược liệu quý của đồng bào Tà Riềng.
"Khi khai thác được nhiều nước từ cây đoák, người Tà Riềng nấu keo lại, đem phơi khô cho vào ống cây tre bịt kín lại cất để dành. Khi phụ nữ sinh con thiếu sữa, người già lớn tuổi, trẻ em còi xương... thì dùng ít miếng khô cho vào cơm, cháo để bồi dưỡng sức khoẻ", ông Nhứn chia sẻ thêm.
Người Tà Riềng vui trong lễ hội thì không thể thiếu rượu tà vạtTrước đây, những gia đình Tà Riềng nào sở hữu nhiều cây đoák trong rừng được coi như Yàng ban cho. Nay ngoài những cây đoák mọc hoang trong rừng, thì cây đoák cũng được người Tà riềng trồng thêm trong vườn nhà để tiện khai thác. Đây là thứ “nước trời” sạch tuyệt đối, chứa đựng cả hồn của rừng núi, đồng bào nơi đây.
Rượu tà vạt được dùng trong các lễ hội, đón tiếp khách quý. Ai từng đến Nam Giang lòng cũng xốn xang về thứ nước trời ban đậm đà lòng hiếu khách của đồng bào nơi đây.