Chọn nơi gian khó
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình quê ở Quảng Trị. Trú xứ tại Tu viện Tâm Không (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Hiện sư cô đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Từ khi TP. Hồ Chí Minh bùng phát dịch Covid-19, sư cô Nhuận Bình chọn nơi gian khó nhất là phòng cấp cứu để hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19. Sư cô Bình chia sẻ, sư rất vui và hạnh phúc khi được làm cánh tay nối dài của các y bác sĩ để trực tiếp giúp đỡ các bệnh nhân Covid-19. Mặc dù chưa có nhiều kiến thức y tế nhưng vào đây sư cô học hỏi rất nhanh. Sư cô mong muốn góp sức nhỏ bé của mình xoa dịu các nỗi đau về thể chất cũng như tinh thần cho các bệnh nhân. Mỗi người bệnh thoải mái tư tưởng, hợp tác điều trị, sớm được xuất viện thì đó là niềm hạnh phúc nhất đối với tất cả mọi người nơi tuyến đầu chống dịch.
Theo sư Bình chia sẻ, xung phong vào các điểm nóng chống dịch, nhóm Phật giáo hỗ trợ 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2; Bệnh viện Dã chiến số 10 và 12. Những tình nguyện viên này đều dùng tất cả những kinh nghiệm, kiến thức về cuộc sống, về những triết lý nhà Phật để giúp các bệnh nhân vượt qua khủng hoảng tinh thần, sức ép bệnh tật, yên tâm điều trị để từng bước phục hồi sức khỏe.
Từ những đêm trắng trong phòng cấp cứu dõi theo nhịp thở của các bệnh nhân, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình càng cảm nhận hơn về những vất vả của các y, bác sĩ nơi đây. Sư Bình bộc bạch: Nhiều đêm trắng, cả các y bác sĩ và tình nguyện viên đều phải túc trực trong phòng bệnh để theo dõi, kiểm tra các bình oxy, các chai dịch truyền, máy SpO2, máy đo huyết áp cho các bệnh nhân… Ai cũng phải giữ tinh thần cho tỉnh táo để theo dõi sát sao mọi biểu hiện của bệnh nhân, từ đó kịp thời cấp cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. “Có những hôm trời nắng gắt, nhiều ca bệnh sốt cao, ho nhiều, lại còn bị tiêu chảy… nhìn cảnh đó càng thấy thương hơn người bệnh. Những lúc đó, bệnh nhân rất cần được quan tâm, chăm sóc ân cần nhất, mình phải luôn ở bên cạnh họ để giúp đỡ và động viên người bệnh”, sư Bình chia sẻ.
Theo các y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19 thì những tình nguyện viên là nhà tu hành có vốn am hiểu sâu rộng về cuộc sống, có các kỹ năng, phương pháp trấn an, cổ vũ tinh thần người bệnh rất hiệu quả. Hầu như bệnh nhân khó tính nhất khi được các nhà tu hành “đả thông” tâm lý đều yên tâm kiên trì chiến đấu với bệnh tật, nỗ lực vượt qua giai đoạn nguy kịch nhất để dần dần phục hồi sức khỏe.
Chăm sóc bằng cả tấm lòng
Có những ngày dời khỏi phòng cấp cứu, đôi găng tay đã được tháo ra từ lâu nhưng những vết nhăn nhúm trên da vẫn chưa thể trở lại bình thường. Sư Bình thổ lộ: “Túc trực tại phòng cấp cứu các bệnh nhân nặng do Covid-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nhưng chỉ cần làm được những điều tốt nhất cho các bệnh nhân, đôi tay này tình nguyện làm hết thảy mọi việc. Mình làm bằng tất cả tấm lòng chân tình để bệnh nhân được an ủi, không cảm thấy lo lắng và tủi thân. Hạnh phúc nhất là khi mình có thể chia sẻ được với những khó khăn của người khác. Ai biết cho đi, người đó sẽ giàu có, ai có tình thương và hiến tặng nó, người ấy sẽ hạnh phúc”.
Không chỉ xung phong vào tuyến đầu chống dịch, nhiều năm qua, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình đã miệt mài làm công tác xã hội. Trước khi vào phòng cấp cứu bệnh nhân Covid-19, sư Bình cũng thường xuyên tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con ở các khu cách ly, phong tỏa. Trong lúc làm tình nguyện viên tại phòng cấp cứu, sư Bình vẫn kêu gọi, vận động, hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, các nhân viên y tế đồ phòng hộ, thiết bị điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Cứ sau mỗi ca trực, sư Bình lại tất bật kêu gọi các Phật tử, mạnh thường quân cùng chung tay vì tuyến đầu chống dịch. Sư Bình sẻ chia rằng: Bất kể tôn giáo nào hay dân tộc nào cũng đều hướng đến điều cao nhất là tình thương, lòng bác ái. Trong khó khăn dịch bệnh, rất cần sự đồng lòng chung sức để cả nước sớm vượt qua đại dịch.