Chúng tôi tìm về thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An. Ít ai biết, hiện Mào Sán Cáu là thôn duy nhất trong 7 thôn của xã Quảng An còn nằm trong diện thôn đặc biệt khó khăn; nhưng lại có rất nhiều người biết ở Mào Sán Cáu có sản phẩm nón “Đại Hiệp” nổi tiếng của Hợp tác xã (HTX) Chu Ka - một sản phẩm đạt chuẩn “3 sao” trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của huyện Đầm Hà.
Khá ngạc nhiên khi Giám đốc HTX Chu Ka lại là một chàng trai trẻ vừa tròn 30 tuổi - anh Lỷ A Tài. Bởi trong suy nghĩ của chúng tôi, nghề làm nón lá dù là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Quảng An nhưng không đem lại nhiều lợi nhuận, lại phải làm thủ công rất tỉ mỉ.
Chia sẻ về nghề làm nón của dân tộc mình, Giám đốc HTX Chu Ka Lỷ A Tài nói, để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh mất rất nhiều thời gian. Một cái nón “Đại Hiệp” có khung đan bằng tre và có hai lớp. Lớp bên ngoài được đan cẩn thận, không để lộ một mấu nối nào ra ngoài. Sau đó, trải đều lá mai, lá chuối bên trong lớp khung ngoài đó, ép chặt rồi cố định lớp khung thứ hai lên.
“Một chiếc nón đẹp là có khung ngoài được tạo dáng tròn, bè, các mắt đan đều nhau, lớp lá bên trong dàn đầy đặn, chắc chắn. Những chiếc nón lá sau khi hoàn thành tiếp tục được hong khô trên gác bếp, để không bị mối, mọt, có độ bền lâu, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước”, anh Tài cho hay.
Anh Tài bảo, dẫu sản phẩm được làm rất công phu nhưng với giá bán hiện nay là 220 nghìn đồng/nón, tiền công cho người làm nón chỉ khoảng 60 - 100 nghìn đồng/ngày. Thu nhập không cao lại đòi hỏi phải tỉ mỉ, kỹ thuật, nên công việc không thu hút được lớp trẻ.
Lỷ A Tài là một thanh niên trẻ dân tộc Dao, ở Mào Sán Cáu. Nhận thấy trên địa bàn có lợi thế về nguồn nguyên liệu và còn nhiều nghệ nhân giữ và yêu nghề đan lát truyền thống, năm 2018 Lỷ A Tài thành lập HTX Chu Ka gồm 7 thành viên. HTX chuyên sản xuất các sản phẩm từ mây tre đan, trong đó sản phẩm chủ lực là nón “Đại Hiệp”. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX Chu Ka đã tạo việc làm cho hàng chục lao động, nghệ nhân trên địa bàn, đồng thời giúp địa phương khôi phục lại nghề truyền thống đang dần bị mai một.
Anh Tài cho biết, hiện sản phẩm nón “Đại Hiệp” của HTX được trưng bày và bán tại một số địa điểm như: Các Hội chợ OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các điểm du lịch tại TP. Hạ Long, một số địa điểm du lịch ở các huyện trên địa bàn tỉnh.
“Sản phẩm cũng đã được bán trên kênh fanpage bán online của HTX, được khách hàng trên thị trường đón nhận, đặc biệt là khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều đoàn khách “phượt” đến khám phá thác Bạch Vân ở xã Quảng An cũng đặc biệt thích thú với sản phẩm này”, anh Tài phấn khởi nói.
Được biết, hiện nay HTX Chu Ka đã sản xuất nón “Đại Hiệp” theo dây chuyền; Mỗi người một công đoạn, người chuyên vào rừng tìm vật liệu, người chuyên làm khung nón, người hoàn thành các khâu cuối cùng. Với số lượng sản phẩm tăng lên và được nhiều người ưa chuộng, nón “Đại Hiệp” đã theo du khách sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước ở châu Âu, đem lại niềm vui không chỉ cho riêng người làm nón Quảng An mà cả huyện Đầm Hà.
Năm 2017, 2018 Lỷ A Tài đều được Tỉnh đoàn Quảng Ninh bầu chọn là một trong những gương thanh niên tiêu biểu. Tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ III năm 2019, Lỷ A Tài được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp phát triển các DTTS tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014 - 2019.