Tính đến nay, làng Chuông đã có hơn 300 năm phát triển nghề làm nón lá. Nón lá làng Chuông nổi tiếng khắp Kinh Bắc bởi 5 đặc điểm: chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp. Mỗi chiếc nón phải qua 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá.
Người dân làng Chuông gắn bó cả đời với chiếc nón lá. Tuổi thơ của nhiều nghệ nhân gắn liền với nón lá. Theo các cụ bô lão trong làng kể lại, ngày xưa vì đất làng Chuông khô cằn, không thể trồng được các loại cây mang giá trị kinh tế cao nên người làng kiếm thêm nghề phụ: nghề làm nón lá.
Ngày nay, tuy thế hệ trẻ không còn nhiều người làm nghề để kiếm sống, nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì ai cũng biết làm nón. Với người làng Chuông, điều tự hào hơn cả là hình ảnh chiếc nón lá giờ đây được xem như một nét đẹp văn hóa của người phụ nữ Việt Nam.
Hằng tháng, làng Chuông lại họp chợ nón 6 lần, vào các ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch. Các phiên chợ nón được mở đã mang lại không khí đậm đà bản sắc văn hóa làng quê Việt. Tại đây, hàng trăm người trong làng và các vùng lân cận tham gia vào phiên chợ để mua bán và trao đổi hàng hóa, tạo ra khung cảnh kẻ bán người mua hết sức tấp nập... Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển xin trân trọng gửi đến độc giả một số hình ảnh đặc sắc của làng nghề truyền thống “Nón lá làng Chuông” tại phiên chợ ngày 20/7/2018 (tức ngày 30/8/2018).
HỒNG MINH - NGHĨA HIỆP