Tiếng Then dưới mái nhà sàn
Chúng tôi về thôn Phai Khằn, xã Đà Vị, huyện Na Hang (Tuyên Quang) ngay sau khi hát Then, đàn Tính của người Tày được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Khó mà tả hết được niềm vui của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Với họ, sự công nhận này không chỉ là niềm tự hào vô bờ bến, mà còn là sự ghi nhận, ghi danh xứng đáng cho những năm tháng thăng trầm gìn giữ nghệ thuật của cha ông.
Ông Hà Đồng Cách, sinh năm 1947, người Cựu chiến binh đã từng xông pha khói lửa của chiến tranh bồi hồi chia sẻ, trước đây do đất nước có chiến tranh, rồi hoàn cảnh kinh tế khó khăn cùng với những nhận thức thiếu chính xác nên hát Then bị hạn chế dẫn đến mai một. Do vậy, rất nhiều con em người dân tộc Tày sinh ra lớn lên mà cái tay không biết đánh đàn Tính, miệng không còn biết hát Then. Trước thực trạng đó, ông Cách cũng như nhiều người già trong bản rất đau lòng.
Thấy mình cần phải có một phần trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, năm 2015, ông Cách đã cùng nhiều nhóm hạt nhân là các “nghệ nhân” trong xã bàn nhau thành lập các Câu lạc bộ (CLB) hát Then, đàn Tính. Đối tượng của các CLB này là các cháu học sinh THCS, THPT có năng khiếu.
“Mong muốn là vậy, nhưng những ngày đầu vận động các cháu tới học đàn khó vô cùng. Do đây là việc làm mới mẻ, nhiều cháu còn ngại và bỡ ngỡ. Nên các “thầy giáo”, chẳng những không lấy học phí, mà còn phải bỏ tiền túi mua đàn, thậm chí bánh, kẹo để kéo học trò đến lớp”, ông Cách chia sẻ.
Vượt khỏi núi đồi
Thế rồi, sự kiên trì của những người như ông Cách đã được đền đáp. Các cháu đến lớp học ngày một đông hơn. Ban đầu chỉ có 2, 3 cháu. Đến nay, lớp đã có hơn 10 cháu theo học. Những cháu học sinh này thường lựa các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, rồi có cháu say mê dành cả 3 tháng hè theo học đàn Tính, hát Then.
Sự nhiệt huyết của người già và say mê của đám trẻ đã thực sự là những sợi dây nối bền chặt khiến cho dòng chảy then Tày chảy mãi. Từ chỗ, người dân còn ngần ngại, đến nay họ như được khơi gợi niềm đam mê của văn hóa dân tộc.
Trong các hội nghị của huyện, của xã giờ đây không bao giờ có thể thiếu được món ăn tinh thần là hát Then, đàn Tính. Không chỉ mang tính hình thức, nghệ thuật này còn thấm sâu vào từng hơi thở cuộc sống. Ở Đà Vị hôm nay, hầu hết các hoạt động mang tính cộng đồng của người dân đều xuất hiện hát Then, đàn Tính mà CLB của ông Cách là hạt nhân quan trọng.
Không những vậy, những hội viên của CLB còn vượt qua không gian của bản làng vươn xa tới những công chúng rộng lớn hơn. Ông Hà Đồng Cách tự hào cho biết, CLB của ông đã nhiều lần tham gia dự thi văn nghệ của huyện Na Hang và tỉnh Tuyên Quang để mở rộng giao lưu với cộng đồng. Đặc biệt từ “lò” đào tạo trường làng này, nhiều em đã trở thành ca sĩ theo học ở các trường chuyên nghiệp, như em Nông Thị Thảo, Triệu Mai Hưng, Hà Linh Nhâm… hiện đang theo học tại Trường Cao đăng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc tại Thái Nguyên.
Có thể nói, để hát Then, đàn Tính vinh dự trở thành văn hóa phi vật thể của nhân loại không thể không nói đến những đóng góp, nỗ lực của cộng đồng. Họ chính là những viên gạch xây dựng lên nền văn hóa mang đậm dấu ấn trong nhịp sống hiện đại. Do đó, thời gian tới Nhà nước cần có các chính sách trợ lực thiết thực, để tiếp sức cho cộng đồng giữ gìn, bảo tồn văn hóa.