Hiệu quả từ chính sách
Đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống chủ yếu trên địa bàn hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Trong đó, ở Tuyên Quang dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung tại một số xã đặc biệt khó khăn của các huyện: Lâm Bình, Chiêm Hóa, Yên Sơn. Còn tại Hà Giang, dân tộc Pà Thẻn cư trú chủ yếu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, tại thời điểm năm 2019, dân tộc Pà Thẻn có 1.833 hộ/ 8.248 nhân khẩu. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, dân tộc Pà Thẻn có 920 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50,2%; có 378 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 20,6.
Giai đoạn 2016 – 2020, triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) các DTTS rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg, các địa phương có đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhờ đó đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Như ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang), toàn thôn có 176 hộ với 837 nhân khẩu; trong đó có 94 hộ, với khoảng 500 nhân khẩu là đồng bào Pà Thẻn. Từ nguồn vốn theo Quyết định 2086/QĐ-TTg, huyện Lâm Bình đã đầu tư tuyến đường dài 2,3km, chiều rộng 3,5m nối thôn Thượng Minh với trung tâm xã Hồng Quang.
Giao thông thuận lợi đã “tiếp sức” cho nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định 2086/QĐ-TT thêm hiệu quả. Đồng bào Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh đã được hỗ trợ con giống, kỹ thuật để phát triển đàn trâu, bò, lợn đen sinh sản, dê địa phương, cá chép, gia súc, gia cầm; đồng thời khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đan lát và nghi Lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn. Nhiều hộ đồng bào Pà Thẻn đã thoát nghèo, từng bước vươn lên khá giả.
Cũng như thôn Thượng Minh, ở các địa phương có đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống thành cộng đồng, các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề cấp bách trong đời sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Đây là nền tảng để tỉnh Tuyên Quang triển khai hiệu quả các nội dung của Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Ngày 20/10/2023, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND phê duyệt danh sách các thôn tập trung đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo cao được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 9. Theo đó, các thôn gồm: Thượng Minh (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình); Nà Luông, Khuổi Hóp (xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa); Đồng Cướm (xã Trung Sơn) và Tân Minh (xã Kiến Thiết) thuộc huyện Yên Sơn là những địa bàn được đầu tư từ Tiểu dự án 1.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tương tự ở tỉnh Tuyên Quang, đời sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng đã có những thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, cũng như những dân tộc có khó khăn đặc thù khác trên vùng cao nguyên đá, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang tăng đột biến.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 796 hộ dân tộc Pà Thẻn; trong đó sinh sống tập trung từ 5 hộ trở lên có có 791 hộ, với 3.890 nhân khẩu, chủ yếu tại huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình. Tính đến hết năm 2022, theo Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, trên toàn tỉnh có 310 hộ nghèo và 257 hộ cận nghèo là người dân tộc Pà Thẻn.
Thực tế là, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Pà Thẻn chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ năm 2019, cuộc điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS đã đưa ra kết quả, khoảng 88,4% lao động (LĐ) người Pà Thẻn làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó có tới 83,5% LĐ không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong số LĐ đã qua đào tạo thì số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao chỉ chiếm 0,8%, bậc trung là 0,6%.
Nhiều công trình nghiên cứu dân tộc học đã chỉ ra rằng, bên cạnh sản xuất nông, lâm nghiệp thì đồng bào Pà Thẻn còn làm một số nghề thủ công gia đình như dệt, đan lát, rèn, làm mộc, chạm khắc bạc và làm giấy. Trong đó, dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn có những nét đặc trưng riêng, làm nên bộ trang phục truyền thống độc đáo của người Pà Thẻn.
Tuy nhiên, để đưa nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Pà Thẻn phát huy giá trị trong nền kinh tế hàng hóa thì chưa có nhiều mô hình vừa góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc, vừa đem lại nguồn thu nhập cho đồng bào. Đáng kể nhất lâu nay trong phát huy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn là hoạt động của Hợp tác xã thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang). Mặc dù giá thành của mỗi bộ trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn rất cao (dao động từ 2 - 4 triệu đồng/bộ), nhưng do làm thủ công, hơn nữa cũng chỉ tranh thủ lúc nông nhàn nên thu nhập của những phụ nữ có nghề dệt thổ cẩm cũng không nhiều.
Xác định việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề trên cơ sở phát huy nghề truyền thống là giải pháp hiệu quả để giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc Pà Thẻn nên khi thực hiện các chính sách đặc thù, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các dự án nâng cao năng lực sản xuất cho LĐ người dân tộc Pà Thẻn. Tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo nghề thủ công truyền thống của đồng bào Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc Pà Thẻn.
Mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ban hành Quyết định số 1289/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống và nghề dệt của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch tại huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) năm 2023. Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức chung về công tác bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào Pà Thẻn của ngành văn hóa nói chung và lĩnh vực văn hóa dân tộc nói riêng; đồng thời khuyến khích đồng bào dân tộc Pà Thẻn duy trì, bảo tồn và phát triển nghề nghề dệt của dân tộc cũng như truyền nghề, dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đầu tháng 6/2023, Bộ VHTT&DL đã cấp chứng nhận 4 Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Tuyên Quang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình). Trước đó, ngày 27/12/2012, Bộ VHTT&DL cũng đã công nhận Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL.