Nhiều khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Lự
Đồng bào dân tộc Lự cư trú chủ yếu ở tỉnh Lai Châu và một số ít sống xen kẽ ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ở tỉnh Lai Châu, theo thống kê, dân tộc Lự hiện có 1.378 hộ, 6.733 người, chiếm 1,49% dân số toàn tỉnh. Đồng bào sinh sống tập trung tại 17 bản thuộc 4 xã của hai huyện: Tam Đường và Sìn Hồ (một bộ phận nhỏ sinh sống rải rác trên địa bàn huyện Than Uyên); trong đó, huyện Tam Đường có 764 hộ/3.768 nhân khẩu, huyện Sìn Hồ có 614 hộ/2.965 nhân khẩu.
Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước, các địa bàn vùng đồng bào dân tộc Lự sinh sống tập trung đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Đặc biệt, các chính sách đặc thù dành cho các dân tộc rất ít người theo Quyết định 2086/QĐ-TTg đã góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Lự, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng.
Xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) là một ví dụ. Toàn xã có hơn 1.000 hộ, trong đó khoảng 400 hộ là đồng bào dân tộc Lự sinh sống tập trung tại 5/10 bản của xã. Trước đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc Lự ở Nậm Tăm còn nhiều khó khăn. Thực hiện Đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) các dân tộc rất ít người giai đoạn 2016 – 2025 theo Quyết định 2086/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 2086), các bản tập trung đồng bào Lự đã được đầu tư đường giao thông nội bản, bê tông hóa đường vào khu sản xuất, xây dựng nhà văn hóa và các công trình nước sinh hoạt; điện lưới được kéo về từng hộ gia đình.
Ngoài ra, từ vốn của Đề án 2086, xã Nậm Tăm đã hỗ trợ cho các hộ dân tộc Lự ở 5 bản về giống vật nuôi (gà, vịt) và xây dựng chuồng trại; hỗ trợ giống cây trồng (bưởi da xanh, khoai tây) và phân bón các loại. Được cấp “đầu vào”, đồng thời được hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất, đồng bào dân tộc Lự đã tích cực chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, giúp địa phương giảm nhanh tỷ lệ nghèo. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã Nậm Tăm hiện còn dưới 10%.
Từ năm 2022, nhiều hộ nghèo đa chiều là đồng bào dân tộc Lự ở xã Nậm Tăm tiếp tục được “tiếp sức” từ các chính sách trong Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719). Nguồn lực chính sách đã góp phần bù đắp thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó giảm tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Như gia đình chị Tao Thị Nạn - hộ nghèo ở bản Nà Tăm 1, xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ). Năm 2022, gia đình chị được hỗ trợ 40 triệu đồng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719 để xây mới, sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, gia đình chị còn được tiếp cận vốn vay từ nguồn hỗ trợ người nghèo để mua trâu phát triển chăn nuôi. Thu nhập được cải thiện cùng với chỉ số về chất lượng nhà ở được bảo đảm, gia đình chị Tao Thị Nạn chắc chắn thoát nghèo trong năm 2023.
Gặp khó vì xã thoát nghèo
Cùng với xã Nậm Tăm của huyện Sìn Hồ, xã Bản Hon (huyện Tam Đường) là địa phương có đồng bào dân tộc Lự tập trung sinh sống nhiều nhất tỉnh Lai Châu. Toàn xã có 584 hộ, trong đó dân tộc Lự có 535 hộ, chiếm 91%. Cũng như ở xã Nậm Tăm, đồng bào dân tộc Lự ở xã Bản Hon đã được thụ hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH theo Đề án 2086.
Sinh kế ổn định, cùng với năng lực sản xuất được nâng lên trong quá trình thụ hưởng Đề án 2086 là nền tảng để đồng bào dân tộc Lự ở xã Nậm Tăm và xã Bản Hon phát triển mạnh mẽ hơn từ nguồn đầu tư, hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719. Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Lự là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025, được thụ hưởng các chính sách tại Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719.
Khi đó, đồng bào dân tộc Lự không chỉ được đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế mà còn được hỗ trợ để giải quyết các vấn đề xã hội bức thiết. Hiện nay, mặc dù tỷ lệ nghèo không còn quá cao so với các dân tộc rất ít người khác, nhưng đời sống của đồng bào Lự vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung; đồng thời, nhiều hủ tục trong đời sống vẫn còn tồn tại tác động đến chất lượng dân số; nguy cơ mai một các bản sắc văn hóa truyền thống vẫn luôn thường trực.
Nhưng cái khó là, hiện đại đa số đồng bào dân tộc Lự đang cư trú tại các xã đã “về đích” nông thôn mới; đó là xã Nậm Tăm của huyện Sìn Hồ (khoảng 400 hộ) và xã Bản Hon của huyện Tam Đường (535 hộ). Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 thì xã Nậm Tăm và xã Bản Hon đều thuộc khu vực I do đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong khi đó, theo hướng dẫn thực hiện Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 về đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH các dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn, thì địa bàn triển khai chính sách là tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Điều này đồng nghĩa, đại đa số đồng bào dân tộc Lự ở Lai Châu (khoảng 935 hộ trên tổng số 1.378 hộ trên địa bàn tỉnh) sẽ không được thụ hưởng Dự án 9, mặc dù thuộc đối tượng thực hiện chính sách.
Thiết nghĩ, để tiếp tục phát triển kinh tế, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội bức thiết ở vùng đồng bào dân tộc Lự, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh phạm vi thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719. Trên thực tế, mặc dù thuộc khu vực I, nhưng xã Bản Hon, cũng như xã Nậm Tăm hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể như, tại Nậm Tăm, hết năm 2022, thu nhập bình quân mới đạt 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 29,6 %. Còn xã bản Hon, mặc dù có nhiều lợi thế phát triển KT – XH nhưng xã cũng đang rất nỗ lực để đạt chỉ tiêu nâng thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm vào năm 2025; trong khi thu nhập bình quân chung của toàn tỉnh lai Châu trong năm 2022 đã đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Theo kết quả điều tra thu thập thông tin KT –XH 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện tháng 4/2019, bên cạnh tỷ lệ nghèo còn cao thì dân tộc Lự còn có những vấn đề xã hội rất bức bách. Trong đó, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết tiếng Việt của dân tộc Lự lên tới 50,3%, cao thứ hai trong các dân tộc có dân số dưới 10.000 người, chỉ sau dân tộc Mảng (53,8%); tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi cao nhất trong các dân tộc rất ít người (59,13%); cùng với đó là vẫn còn tỷ lệ không nhỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.