Gia Lai từng là điểm nóng về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, riêng năm 2015, toàn tỉnh có tới 1.132 trường hợp tảo hôn. Nhưng với sự vào cuộc chủ động của các tổ chức đoàn thể, cùng sự ủng hộ của nhân dân, nhiều mô hình phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết được thành lập, hình thành các “vành đai” bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái đang được tạo ra. Từ đó, tư duy của người dân từng bước thay đổi, giúp ngăn ngừa sớm nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Qua thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, từ năm 2021 đến tháng 5/2023, toàn tỉnh Gia Lai có 2.224 cặp tảo hôn, trong đó có 2.185 cặp tảo hôn là người DTTS (chiếm trên 98%); ngoài ra còn có 2 cặp hôn nhân cận huyết thống.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai Rah Lan HNhum cho biết: Xã có 904 hội viên, trên 80% là người DTTS. Hiện nay, Hội LHPN xã đã xây dựng được 14 mô hình, câu lạc bộ (CLB), trong đó, CLB “Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết” được thành lập nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ và người dân. Câu lạc bộ sinh hoạt thường kỳ 1 tháng/lần.
Tại các buổi sinh hoạt, thành viên CLB được tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; về sức khỏe sinh sản, tình yêu và giới tính... Qua đó, giúp nữ thanh niên rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với gia đình, bạn bè và những người xung quanh; cách thức tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội...
Sau buổi sinh hoạt định kỳ, các thành viên CLB sẽ thường xuyên đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động người dân hiểu về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép vào những buổi họp làng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ”.
Triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 9 về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Gia Lai đã triển khai hơn 30 mô hình nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Thông qua các mô hình “Nói không với tảo hôn" giúp nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, gia đình hội viên, phụ nữ, Nhân dân; góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực.
Cao Bằng cũng là địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao, thời gian qua từ sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là của cơ quan công tác dân tộc địa phương, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn đã giảm đáng kể.
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện, xã, thôn, xóm có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao xảy ra tình trạng này được tăng cường, thực hiện dưới nhiều hình thức, phong phú về nội dung. Một số xóm đã đưa quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa, qua đó, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh... Năm 2022, toàn tỉnh có 3.801 cặp kết hôn, trong đó, 207 cặp tảo hôn, chiếm 5,5%, giảm 54 cặp so với năm 2021.
Thực hiện Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chủ động, tích cực triển khai Tiểu dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ tình hình thực hiện Tiểu dự án 2, xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ làm công tác dân tộc, báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh. Phối hợp cùng các huyện, Tp. Cao Bằng triển khai các nội dung lắp đặt pano, in tờ rơi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Trong tháng 6 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Đoàn công tác gồm 45 cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở Y tế, Ban Dân tộc tỉnh, đại biểu các huyện, Tp. Cao Bằng đi tham quan, học tập kinh nghiệm về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại hai tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa. Qua đó, tiếp cận thêm được những cách làm hay, những kinh nghiệm hữu ích để học tập và chọn lọc, áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của các địa phương trong tỉnh Cao Bằng.
Không chỉ Gia Lai, Cao Bằng mà nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều mô hình, cách làm hay nhằm kéo giảm và tiến tới đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ những tín hiệu tích cực này, công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS sẽ sớm được đẩy lùi.