Căn nhà trống cuối làng với những cơn gió lạnh lùa qua khe cửa cũng không làm cho cô gái nhỏ Xơ Đăng Y D. (thôn Đắk Lai, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) bận tâm. Bởi, thứ làm em lo lắng nhất bây giờ là bữa ăn từng ngày cho gia đình nhỏ của mình. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà em quyết định nghỉ học để có chồng và sinh con khi mới 13 tuổi. Em D. cho biết: “Vì lấy chồng sớm nên đến nay em đã có 2 đứa con, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Vì cả 2 vợ chồng còn nhỏ nên cũng không ai thuê mướn đi làm, không tìm được việc làm nên gia đình đến bữa có gì ăn đấy”.
Hay câu chuyện của chị Y Ph. (làng Ngọc Leang, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) vẫn được dân làng nhắc đến như một lời cảnh tỉnh cho lớp trẻ. Chị Y Ph. lấy chồng năm 16 tuổi, giờ đây ngoài 40 tuổi nhưng đã có tới 10 đứa con. Không những thế, người chồng chị là A H. và con trai đầu là A K. vì xích mích trong lúc uống rượu nên đã xảy ra án mạng. Từ đó, chị Y Ph. trở thành lao động chính trong gia đình. Nhà đông con, không có điều kiện học hành, nên các con của chị Y Ph. chỉ học tới lớp 7, lớp 8 rồi bỏ học để đi làm thuê, lấy chồng sớm.
Theo thống kê, giai đoạn năm 2016 - 2020, tỉnh Kon Tum có 1.048 trường hợp tảo hôn, 4 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Đến năm 2021, có 395 cặp tảo hôn và 5 cặp kết hôn cận huyết thống.
Trước thực trạng trên, bên cạnh việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn II (2021 - 2025); triển khai Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719)… Đặc biệt, có sự chung tay góp sức của già làng, Người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người nhân hiểu tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình.
Bà Y Gar (63 tuổi, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) là một trong những gương điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Bà Y Gar chia sẻ: “Là cán bộ Mặt trận, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn và gặp gỡ nhiều người nên tôi nhận thức được tác hại của kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người mẹ cũng như những đứa trẻ được sinh ra. Vì vậy, tôi chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên có lối sống lành mạnh, tập trung học hành, không kết hôn sớm và kết hôn với người cận huyết thống. Tôi cũng tích cực phổ biến về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và các vấn đề về giới tính bằng cách lồng ghép qua các buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt ngoại khóa tại trường học. Nhiều trường hợp tôi phải đến nhà vận động, tuyên truyền, cùng gia đình chia sẻ kiến thức cho tụi nhỏ về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.”
Còn ở làng thôn 5, thị trấn Pleikan, huyện Ngọc Hồi, già làng, Người có uy tín A Jeao rất quyết liệt, sát sao với người dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tảo hôn tại địa phương. “Đối với gia đình nào có con tảo hôn, tôi cùng cán bộ thôn, làng đến để giải thích cho gia đình hiểu. Đồng thời, vận động bà con không đi đám cưới. Nếu cố tình tổ chức đám cưới sẽ bị xử phạt nghiêm. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, bày kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách làm ăn phát triển kinh tế cho bà con để cùng nhau xóa đói, giảm nghèo”.
Hiện nay, toàn tỉnh Kon Tum có 678 Người có uy tín được công nhận, trong đó có 217 người là đảng viên. Người có uy tín luôn nhận được sự ủng hộ của dân làng, có tiếng nói trong đời sống đồng bào DTTS. Nhờ sự góp sức của Người có uy tín trong tuyên truyền vận động Nhân dân xóa bỏ dần hủ tục, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên số trường hợp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã giảm dần. Đến cuối năm 2022 còn 238 trường hợp tảo hôn và không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum Đinh Quốc Tuấn nhấn mạnh: Người có uy tín là lực lượng gần dân, sát dân nhất, là cầu nối giữa Đảng với người dân, là điểm tựa tinh thần trong cộng đồng đồng bào các dân tộc, cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chính quyền tại cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi các tập tục lạc hậu, trong đó có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống".
Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, Người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông pháp luật trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Nhờ vậy, số cặp vợ chồng tảo hôn qua các năm có xu hướng giảm dần.
"Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho Người có uy tín; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách, kịp thời biểu dương để Người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò trong đời sống xã hội, trong đó có công tác phòng, chống tảo hôn. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm, một chiều, mà đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành cũng như từ ý thức của mỗi người dân địa phương” Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết.