Khôi phục lại nghề truyền thống
Khi đi qua những con đường bê tông sạch đẹp ở thôn Đồng Mụng, Văn Hiến, xã Văn Phú, nhiều người thích thú với những cánh đồng trồng dâu xanh mướt mắt hay bắt gặp những phên màu trắng như bông đung đưa trong gió và những sợi tơ được ánh nắng chiếu qua trở nên óng ả. Hỏi ra mới biết đó là những chiếc “né” mà người dân giăng ra để chờ tằm nhả tơ làm kén.
Chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Hợp ở thôn Văn Hiến khi lứa tằm nuôi đang cuốn kén. Chỉ tay vào những né tằm đang nhả những “sợi tơ vàng”, ông Hợp vui mừng cho biết, gọi là tơ vàng cũng đúng vì giá trị của kén tằm, tơ tằm hiện nay rất cao. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Văn Phú vốn đã có từ rất lâu rồi, song đã từng bị mai một, gần đây Hợp tác xã Nông lâm nghiệp đã tìm tòi kết nối với một doanh nghiệp ngành tơ sợi ở Yên Bái để đưa nghề này trở lại. Bước đầu đã có những hộ dân phát triển nghề này cho thu nhập ổn định, có hộ thu trăm triệu đồng mỗi vụ.
Theo chia sẻ từ những người làm nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Văn Phú thì trồng dâu nuôi tằm không phải việc khó, quan trọng là có diện tích đất để trồng dâu. Đất trồng dâu không cần phải đất màu mà đất ở chân đồi, soi, bãi… dâu đều có thể phát triển tốt. Khi nuôi thì chịu khó cho tằm ăn ngày 3 - 5 bữa, tùy từng giai đoạn tằm phát triển và sau khi thu hoạch sẽ được trả công hậu hĩnh. Trung bình một sào đất trồng dâu có thể nuôi và cho thu hoạch từ 80kg - 1,5 tạ kén tằm. Tính ra giá kén tằm khoảng 160.000 - 200.000 đồng/kg như hiện nay thì người nuôi đã có thu nhập đáng kể.
Trong thời gian tới, xã sẽ đánh giá hiệu quả mô hình này để tăng cường hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với người dân nhằm nâng cao thu nhập trên địa bàn. Đồng thời quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm để phát triển nghề bền vững. Cùng với trồng dâu nuôi tằm, xã đang xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp khác, trong đó có sản phẩm OCOP mật ong của địa phương.”
Ông Đặng Duy Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú
Anh Cao Văn Bình ở thôn Đồng Mụng, người có hơn 1 mẫu đất trồng dâu nuôi tằm cho biết: “Hiện nay, việc nuôi tằm không mất nhiều thời gian như trước đây. Giống tằm được công ty cung cấp và chỉ sau nuôi khoảng 2 tuần là tằm đã cuốn kén, cho thu hoạch, các lứa tằm có thể gối nhau, công ty sẽ bao mua kén tằm, không lo ế. Nghề nuôi tằm đã đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình, vì vậy, trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi được nhiều tằm hơn”.
Hướng đến phát triển bền vững
Thấy được hiệu quả kinh tế từ nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại, xã Văn Phú đã triển khai những giải pháp để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Năm 2021, chính quyền xã đã đồng ý để Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc liên kết và triển khai hợp tác với những hộ dân đầu tiên trên địa bàn xã phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Các hộ liên kết đã được doanh nghiệp hỗ trợ con giống, dụng cụ nuôi tằm và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch để đạt năng suất cao nhất. Khi thu hoạch kén, doanh nghiệp cũng đến tận nơi để thu mua.
Ông Đặng Duy Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm hiện nay tập trung chủ yếu ở 2 thôn Đồng Mụng và Văn Hiến với khoảng 10 hộ trồng dâu nuôi tằm. Qua đánh giá mô hình này đang mang lại giá trị kinh tế cao trong khi chi phí đầu tư không nhiều. Đây là hướng đi rất hiệu quả trong tương lai nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhiều nông dân ở xã Văn Phú đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến nay, xã Văn Phú đã hoàn thành 100% tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 13%, các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp đang được đầu tư phát triển với năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể…