Lộc Tân là xã có đông đồng bào DTTS sinh sống với 1.231 hộ, 4.877 nhân khẩu; trong đó đồng bào người Mạ, Cơ Ho chiếm đa số. Hiện nay, đời sống của đồng bào có nhiều khởi sắc, nhà cửa xây dựng khang trang. Chỉ trong một thời gian ngắn, xã Lộc Tân đã chuyển đổi được hơn 231 ha cà phê già cỗi sang cây dâu tằm, lượng kén tằm bình quân đạt 350 tấn/năm; toàn xã có hơn 100 hộ đồng bào DTTS tham gia trồng dâu nuôi tằm.
Trưởng thôn 2 K’Wàm cho biết, thôn có 358 hộ, năm vừa rồi đã có hơn 30 hộ chuyển đổi cà phê kém năng suất, chất lượng sang trồng dâu, nuôi tằm, diện tích khoảng 10 ha. Điều dễ thấy ở nghề này chính là tận dụng được thời gian, công lao động và cho thu nhập đều đặn hàng tháng. Trước đây, cả năm bà con chỉ chờ vào vụ mùa cà phê mới có thu nhập, giờ đây, các hộ làm nghề “ăn cơm đứng” đều có thu nhập hàng tháng ổn định.
Bản thân anh K’Wàm cũng chuyển đổi thành công 6 sào cà phê già cỗi sang trồng dâu, nuôi tằm. Tận dụng thời gian để hái dâu, cho tằm ăn nhưng mỗi tháng cũng mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 9 triệu đồng. Có được số tiền trên, vợ chồng anh chi phí cho ăn uống, nuôi dưỡng con cái, đi lại; còn số tiền từ thu hoạch cà phê, chăn nuôi được gia đình dành dụm để phát triển kinh tế, sửa sang nhà cửa.
Đa số vườn dâu của đồng bào DTTS ở xã Lộc Tân hiện nay đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hệ thống tưới tự động đã thay thế cho sức người; sử dụng phân bón hữu cơ để bảo vệ đất và cây trồng. Anh Bùi Văn Bình - cán bộ khuyến nông xã phân tích, đồng bào sử dụng hệ thống tưới nước bằng béc nên giảm được công sức lao động, tiết kiệm nguồn nước. Ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất. Từ đó, cây dâu tằm ở địa phương sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng. Bà con luôn chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm theo lối bắt tay chỉ việc; các hộ đến tận vườn, nong tằm để cùng nhau tìm hiểu, học hỏi.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế của việc trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ đồng bào DTTS ở địa phương đã tích cực chuyển đổi. Anh K’Linh và K’Cường đến nay đã chuyển đổi được gần 5 sào đất trước đây trồng cà phê sang trồng dâu nuôi tằm. Theo anh K’Linh thì trồng dâu, nuôi tằm rất hiệu quả và mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Hơn nữa sản phẩm làm ra được thương lái thu mua một cách dễ dàng, giá cả cũng ít có sự chênh lệch.
Anh K’Cường cho biết thêm, trước đây 5 sào cà phê của gia đình đã già cỗi nên mỗi năm thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Nay nhờ chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm mà mỗi tháng anh có gần 10 triệu đồng. “Nghề này thì cả vợ chồng mình cùng làm được, do vậy rất chủ động trong việc bố trí thời gian”, anh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lộc Tân cho biết, để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân tái canh, ghép cải tạo cà phê, chuyển đổi sang trồng cây chè chất lượng cao. Mặt khác, việc vận động bà con chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, đến nay, một tín hiệu đáng mừng là có hơn 100 hộ đồng bào đã quen với nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Thời gian tới, UBND xã Lộc Tân sẽ tích cực vận động, phối hợp cùng các cấp, ban, ngành để mở các lớp chuyển giao kỹ thuật trong nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trực tiếp cử cán bộ khuyến nông của xã cùng các hộ dân có kinh nghiệm trong nghề hướng dẫn cho những nông hộ mới bắt tay vào làm.
Cùng với các cây trồng chủ lực như cà phê, cây chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc có thêm nghề “ăn cơm đứng” đã giúp các hộ dân người Cơ Ho, Mạ ở Lộc Tân có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống. Qua đó, giúp địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Lộc Tân khoảng 50 triệu đồng/năm, xã đang giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.