Người Pà Thẻn, Phù Lá là những DTTS rất ít người trên địa bàn huyện Quang Bình, định cư lâu đời và sinh sống tập trung ở xã các Tân Trịnh, Tân Bắc, Yên Thành, Tân Nam và thị trấn Yên Bình. Thực hiện các chính dân tộc, đặc biệt là Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, cùng với các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bào các dân tộc nơi đây đã được hỗ trợ các dự án phát triển chăn nuôi lợn, trâu thương phẩm. Nhờ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ dân mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, đồng bào còn được hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Chị Tải Thị Mai - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Pà Thẻn, xã Tân Bắc chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống được lưu truyền qua bao đời nay của người Pà Thẻn. Bằng sự tỷ mỉ, dày công, những người phụ nữ đã tạo ra những bộ váy, áo dân tộc hết sức độc đáo, có hệ thống hoa văn từ đơn giản đến phức tạp, tôn lên vẻ đẹp trang phục. Ngoài được thụ hưởng chính sách phát triển du lịch theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh, HTX còn được hỗ trợ theo Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã phối hợp với các nghệ nhân tổ chức dạy nghề dệt cho phụ nữ, truyền lại nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, các sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX ngày càng đa dạng, phong phú, như: Trang phục dân tộc, chăn thêu, mặt gối, túi thêu”.
Thời gian qua, HTX dệt thổ cẩm Pà Thẻn đang nỗ lực áp dụng chuyển đổi số, làm quen với việc Livetream bán hàng, giới thiệu các sản phẩm lên mạng xã hội Facebook, Zalo. Từ đó, đưa sản phẩm thổ cẩm đến gần hơn với khách hàng và tăng gấp 2 lần lợi nhuận so với bán hàng truyền thống. Các thành viên trong HTX còn tích cực tương tác thông qua trang Fanpage, hội, nhóm đưa nét đẹp về nghề dệt thổ cẩm đến với cộng đồng. Hiện tại, mỗi sản phẩm của HTX không chỉ bảo đảm tính ứng dụng, thẩm mỹ, chứa đựng những câu chuyện nhân văn, ý nghĩa, mà còn được đánh mã vạch, có tem truy xuất, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, tạo niềm tin, chắp cánh cho thương hiệu sản phẩm dệt của người Pà Thẻn vươn xa đến thị trường trong và ngoài nước.
Những chính sách cho vùng đồng bào DTTS đang được triển khai đồng bộ là động lực rất quan trọng, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Tính đến hết năm 2022, 100% xã có đường nhựa đến trung tâm; 98,3% hộ được sử dụng điện; 15 xã, thị trấn có lớp học kiên cố; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,8%; dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ lao động qua đào đạt 55%; tất cả các xã được phủ sóng truyền thanh, truyền hình và sóng điện thoại di động. Khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo được triển khai hiệu quả. Các lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các hủ tục trong đồng DTTS dần được xóa bỏ và giảm thiểu, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã duy trì ổn định.
Ông Nguyễn Đình Luân - Trưởng phòng Dân tộc huyện Quang Bình cho biết: “Toàn huyện có trên 62.000 người DTTS, có 73 thôn, bản đặc biệt khó khăn nằm ở chủ yếu xã thuộc khu vực vùng III. Những chính sách cho vùng đồng bào DTTS đi vào cuộc sống là đòn bẩy, khích lệ người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, tiến tới làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trên cơ sở đó, Phòng tiếp tục tham mưu cho huyện và tập trung triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng Nông thôn mới; giảm nghèo bền vững cùng với nhiều chương trình, dự án khác, tạo tiền đề phát triển vững chắc vùng đồng bào DTTS”.