Trăn trở với văn hóa dân tộc
Thôn Ngòi Nhầy, xã Châu Quế Thượng có 205 hộ dân, hơn 700 nhân khẩu, trong đó người Phù Lá chiếm hơn 85%. Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa người Phù Lá, Người có uy tín Phùng Văn Ló (dân tộc Phù Lá) đã luôn trăn trở và tìm cách thay đổi.
Ông Ló cho biết, người Phù Lá có chiếc sáo mũi độc đáo, hay còn gọi là sáo cúc kẹ. Sáo chỉ có một lỗ và thổi bằng mũi, nhưng âm thanh thoát ra nhẹ nhàng với tiết tấu nhanh, chậm, luyến láy theo từng âm điệu. Để thổi được loại nhạc cụ này rất khó, đòi hỏi người học phải kiên trì tập luyện. Nhận thấy việc cần phải gìn giữ loại hình nhạc cụ độc đáo này, ông Ló đã trao truyền thành công cho con cháu của mình và hơn 10 học viên địa phương. Ông nói, cứ ai muốn học sáo mũi là ông đều dạy.
“Ngoài sáo mũi, người Phù lá còn có khèn Ma Nhí. Chỉ tiếc rằng, tôi chỉ biết thổi nhưng lại không biết làm chiếc khèn đặc biệt này. Hiện nay, ở trong vùng không có người nào làm được khèn Ma Nhí, bởi người duy nhất biết làm, đã mang theo kinh nghiệm sang thế giới bên kia. Rút kinh nghiệm từ người đi trước, tôi đã cố gắng dạy khèn Ma Nhí lại cho con, cháu của mình”, ông Ló tiếc nuối kể.
Theo ông Ló, quan trọng hơn cả là phải giữ được tiếng nói dân tộc. Bởi vậy, ông thường xuyên dạy tiếng mẹ đẻ cho các cháu của mình và dặn dò các gia đình ở địa phương nói tiếng Phù Lá trong sinh hoạt hằng ngày để các cháu nhỏ có thể biết nghe, biết nói tiếng mẹ đẻ của mình. Ông Ló cho rằng, muốn bảo tồn tiếng nói dân tộc, thì gia đình chính là gốc rễ, ông bà truyền lại cho con, con truyền lại cho cháu…
Bên cạnh đó, ông luôn vận động người dân địa phương, đặc biệt nhất là phụ nữ cần mặc trang phục truyền thống trong những dịp đặc biệt, dịp lễ tết… Ông nói, hiện nay trang phục nam giới không còn, chỉ còn trang phục nữ giới, nên phải cố gắng gìn giữ. Cũng may là, mới đây chính quyền xã Châu Quế Thượng đã mời các nghệ nhân người Phù Lá ở Lào Cai xuống dạy, nên phụ nữ trong xã đã giữ được nghề thêu trang phục truyền thống.
Đặc biệt, ông Ló được người dân tín nhiệm thực hiện một số nghi lễ quan trọng của địa phương. Ông cũng tích cực vận động người dân có bệnh thì nên đi bệnh viện, không nên tin vào vào việc cúng bái, mê tín dị đoan…
Nêu cao tinh thần trách nhiệm
Khi được Nhân dân tin tưởng và bầu là Người có uy tín, ông Dương Quốc Đậu, sinh năm 1942, dân tộc Tày, thôn Ngòi Lẫu (xã Châu Quế Thượng) đã nỗ lực trong việc vận động bà con các dân tộc cùng nhau gìn giữ văn hóa dân tộc và xây dựng nếp sống văn hóa tại địa phương.
Ông Đậu tích cực cùng với chính quyền thôn, xã tham gia xây dựng hương ước thôn, vận động, tuyên truyền bà con bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, không phù hợp như việc để tang không quá 48 tiếng, thay vì trước kia có khi để từ 4 - 5 ngày; thay vì giết lợn để báo hiếu sẽ thay bằng tiền… để đỡ gánh nặng cho gia đình tang chủ.
Trước thực trạng lớp trẻ đi học ở ngoài, có nguy cơ mai một đi tiếng nói dân tộc, với vai trò là Người có uy tín, ông Đậu đã vận động các gia đình nêu cao lòng tự hào, tình yêu và truyền thống của dân tộc bằng việc dạy tiếng mẹ đẻ cho chính con em mình. Nhờ đó, những lớp trẻ em khi lớn lên đều có ý thức học và biết nói tiếng dân tộc mình.
Đặc biệt, ông được bà con tin tưởng mời thực hiện các thủ tục, nghi lễ trong đám tang dân tộc Tày tại địa phương. Hiện nay tuổi đã già, ông không thổi được kèn nên ông đang dành tâm huyết để truyền dạy lại cho người con trai cả giữ nghề. Đồng thời, tìm người để hoàn chỉnh bộ nghi lễ kèn bát âm nhằm giúp bà con khi cần.
Hay Người có uy tín Triệu Tiến Bảo, (xã Viễn Sơn) đã tích cực tuyên truyền vận động đồng bào DTTS, đồng bào có đạo ở địa phương xóa bỏ những hủ tục, chống mê tín dị đoan, giữ gìn vệ sinh môi trường; ông Sùng Nhà Páo (xã Nà Hẩu) đã vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác dân số, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới…
Người có uy tín Phùng Văn Ló, Dương Quốc Đậu, Triệu Tiến Bảo, Sùng Nhà Páo cùng những Người có uy tín tại huyện Văn Yên đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. họ là các nghệ nhân sưu tầm, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các bài cúng, chế tác nhạc cụ dân tộc (như sáo Cúc Kẹ của dân tộc Phù Lá).
Bằng uy tín của mình, họ luôn gương mẫu và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong dòng họ, gia đình, khu dân cư, tích cực vận động đồng bào các DTTS ở địa phương xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường…
Có thể nói, những Người có uy tín trên địa bàn huyện Văn Yên là những hạt nhân nòng cốt, tích cực xây dựng đời sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế và quy định của pháp luật, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.