Trên cơ sở Nghị quyết số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI về “đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, huyện Đăk Glei đã xác định và tập trung đầu tư vùng phát triển dược liệu tại các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Plô - nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm (sâm dây)...
Trong năm 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei đã thống nhất cho chủ trương xây dựng vườn ươm tại thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Mục đích nhằm tạo cơ chế khuyến khích Nhân dân đầu tư, phát triển dược liệu thông qua hình thành các tổ hợp tác, nhóm hộ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp từ đầu tư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn theo chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện triển khai hỗ trợ 2.000 cây giống sâm Ngọc Linh cho 3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đối với sâm Ngọc Linh của 6 tổ hợp tác trồng sâm Ngọc Linh và các hộ dân trên địa bàn huyện.
Chị Y Liên (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Làng Mới, xã Mường Hoong chia sẻ: Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tôi nhận thấy được tiềm năng, lợi ích kinh tế của cây sâm Ngọc Linh. Năm 2014, tôi bắt đầu mua sâm Ngọc Linh từ những người dân tìm từ trong rừng về bán lại để trồng. Năm 2019, tôi vay Ngân hàng Nôgn nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Đăk Glei hơn 200 triệu đồng để mua thêm hạt về ươm giống, hiện đã phát triển được hơn 2.000 gốc sâm Ngọc Linh. Kỳ vọng của tôi là sẽ phát triển thêm nữa, cứ một năm là tôi sẽ phát triển thêm 2- 3 sào để phát triển kinh tế nó ổn định hơn.
Với đặc thù hơn 90% là đồng bào dân tộc Xơ Đăng, Gié Triêng sinh sống, huyện Đăk Glei đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ cây giống dược liệu cho các hộ nghèo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân mạnh dạn vay vốn để phát triển các loại cây dược liệu. Chị Y Lương (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Làng Mới cho biết: Năm 2020, gia đình trồng được 2 sào sâm dây, giúp kinh tế ổn định hơn. Năm 2021, gia đình đã thoát nghèo. Hiện, gia đình mở rộng diện tích lên gần 5 sào sâm dây. Hy vọng cuộc sống gia đình sẽ khá giả hơn nhờ loại cây dược liệu này.
Xã xác định việc phát triển cây dược liệu là chủ trương lớn và đó cũng là giải pháp để thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Vì vậy, xã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Đến nay, toàn xã có hơn 40 ha quế, hơn 72 ha sâm dây, hơn 2 ha sâm Ngọc Linh… Cũng nhờ nguồn thu nhập từ các loại cây dược liệu mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả rà soát cuối năm 2022, toàn xã còn 336 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 40%, giảm 22% so với năm 2020. Ông Lê Bá Thế - Chủ tịch UBND xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho hay.
UBND huyện Đăk Glei đã tạo cơ chế khuyến khích Nhân dân đầu tư, phát triển dược liệu thông qua hình thành các tổ hợp tác, nhóm hộ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp từ đầu tư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn theo chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm sau thu hoạch của các tổ hợp tác, doanh nghiệp, người dân và hỗ trợ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Đến nay, huyện đã hỗ trợ thành lập 2 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực dược liệu và đã có nhiều sản phẩm chủ lực phong phú, đa dạng từ dược liệu, cụ thể như mứt sâm dây, nước sâm dây, rượu sâm dây, sâm dây khô... Qua đó, bảo đảm ổn định đầu ra các sản phẩm dược liệu trên địa bàn huyện.
Chị Phạm Thị Mây ở thôn Đăk Xanh, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei chia sẻ: “Cũng suy nghĩ, trăn trở một thời gian khá dài, tôi mới quyết định làm thử nước sâm. Sau khi đưa ra thị trường được khách hàng ưa chuộng và hiện tại sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP. Đó là động lực để tôi tiếp tục phát triển sản phẩm này”.
Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ giao thương, kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm đặc trưng của các địa phương đã giúp cho nhiều sản phẩm dược liệu trên địa bàn huyện được đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, hệ thống siêu thị và chuỗi nhà hàng tại các tỉnh thành trong cả nước.
Bà Y Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Từ những giải pháp đồng bộ, đến nay, toàn huyện đã trồng được 982,3 ha cây dược liệu; trong đó: Sâm Ngọc Linh đạt 33,39 ha; dược liệu khác 948,9 ha. Nhiều sản phẩm dược liệu đã đạt chất lượng OCOP và đưa ra thị trường được khách hàng ưu chuộng. Nhờ có thu nhập từ cây dược liệu mà đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 15,84%, giảm 4,02% so với năm 2021.
Thời gian tới, huyện Đăk Glei tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là thu hút đầu tư, sản xuất và chế biến dược liệu; tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các dự án trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng các vườn ươm dược liệu trên địa bàn huyện và hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu ở những nơi có điều kiện... nhằm từng bước giúp đồng bào DTTS có nguồn thu nhập ổn định từ các loại cây dược liệu.