Vườn cà phê già cỗi năng suất thấp thu không đủ chi, tiêu dịch bệnh chết hàng loạt khiến gia đình anh Phạm Văn Hiệp, thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong mất đi nguồn thu lớn.
Anh Hiệp chia sẻ: Trong một chuyến đi thăm người thân tại tỉnh Lâm Đồng, thấy mô hình trồng dâu, nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu thêm trên mạng và một số hộ nuôi tằm trên địa bàn, anh Hiệp bàn với vợ chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi sang trồng dâu siêu cành. 4 tháng sau, vườn dâu xanh tốt nhiều hộ nuôi tằm hỏi mua với giá cao.
"Thấy rõ hiệu quả kinh tế, tôi chuyển toàn bộ diện tích hơn 1ha cà phê sang trồng dâu. Đồng thời mua 2 hộp tằm giống nuôi trong diện tích 50m2. Kinh tế gia đình dần ổn định, tôi tiếp tục mở rộng diện tích nhà nuôi tằm 250m2 với 20 hộp tằm giống. Trồng dâu nuôi tằm lấy kén rất tiềm năng, không cần vốn lớn, nhanh thu lợi nên thu nhập ổn định. Hiện nay, trong thôn Đắk Lang có mấy chục hộ họ làm mô hình này”.
Theo báo cáo, hiện xã Quảng Khê có 157 hộ trồng dâu nuôi tằm, với diện tích hơn 100ha, tập trung ở thôn 8, thôn 7, thôn 3, thôn Tân Tiến và thôn Đắk Lang. Ngoài ra, nhiều hộ còn cải tạo các diện tích đất kém hiệu quả chuyển sang chuyên trồng dâu hái lá, cung cấp cho các hộ nuôi tằm ở các địa phương.
Ông Phạm Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho biết: 3 năm gần đây, cây dâu tằm đã giúp cho nhiều hộ dân của xã Quảng Khê ổn định phát triển kinh tế và có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm. So với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, thì vốn đầu tư ban đầu trồng dâu nuôi tằm không lớn.
Cùng với đó, các công cụ cho nuôi tằm đơn giản, rẻ, kỹ thuật, cây giống được ngành Nông nghiệp hỗ trợ nên rất thuận lợi cho việc nuôi tằm. Để bà con gắn bó với nghề, địa phương đang kết nối với các doanh nghiệp để cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm giúp bà con ổn định sản xuất.
Không chỉ xã Quảng Khê (Đắk G’long), nhiều hộ dân ở xã Quảng Phú (Krông Nô) và TP. Gia Nghĩa cũng có thu nhập khá từ nghề trồng dâu nuôi tằm.
Điển hình, năm 2020 gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa cũng quyết định chuyển đổi 2.000m2 đất trồng cà phê sang trồng dâu nuôi tằm. Chăm chỉ tìm hiểu qua nhiều phương tiện truyền thông, Internet và trực tiếp đến các mô hình để học hỏi kỹ thuật, vườn dâu xanh tốt, con tằm ít bị bệnh nên thu nhập của gia đình chị dần ổn định. Chị Thảo mở rộng diện tích trồng dâu lên 6.000m2, nhà kho chứa cà phê chị sửa lại làm khu vực nuôi tằm.
"Mỗi đợt nuôi tằm khoảng 15 ngày là thu hoạch; 1 tháng nuôi lại nghỉ 1 tháng để cây dâu phát triển. Với lượng lá dâu của gia đình, mỗi đợt tôi nuôi 2 hộp tằm giống. Mỗi hộp tằm giống thu được từ 60 - 70 kg kén. Với giá bán kén hiện tại 150.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 100 triệu đồng", chị Thảo cho biết.
Ông Mai Văn Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk G’Long cho biết: Tại địa phương, hiện có diện tích cây cà phê khoảng 17.000ha. Những năm gần đây, sản xuất cà phê không hiệu quả, giá cả không ổn định, một số diện tích hồ tiêu chết, nên huyện có chủ trương chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng một số cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm và rau, củ, quả ngắn ngày.
Hiện, huyện có khoảng 353ha cây dâu tằm, khoảng 1.800ha cây ăn trái các loại. Về cơ bản thì, năng suất và sản lượng của các loại cây này ổn định, bước đầu cho thu nhập cao hơn so với trước đây. Qua khảo sát, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích của cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm lớn hơn trồng cà phê từ 4 - 5 lần.
Riêng đối với một số mô hình như trồng dâu nuôi tằm, thì đến nay hiệu quả kinh tế rất là cao, việc triển khai thực hiện và đầu ra sản phẩm tương đối ổn định. Dâu tằm thì có thể trồng ở một số diện tích nhỏ lẻ mà nếu trồng cà phê, hồ tiêu thu nhập rất thấp. Với cây dâu tằm, bà con có thể tận dụng được tất cả cá loại diện tích từ đất ao, bờ ao, bờ ranh thì đều tận dụng trồng được hoặc trồng xen với một số loại cây ăn trái khi chưa khép tán./.