“Gọt chân cho vừa giày”?
Hoàn thành giai đoạn 1, cơ sở hạ tầng Trường THPT xã Đắk Wil cơ bản đã khang trang, nhưng hoạt động đón học sinh THPT tựu trường mới không được thực hiện.
Nguyên nhân được xác định là, Trường THPT Đắk Wil không được thành lập theo Đề án quy hoạch mạng lưới trường và quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 120 ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm 2020, UBND huyện Cư Jút từng đề xuất thành lập trường học 3 cấp, trên cơ sở của Trường THPT Đắk Wil. Sau đó, UBND huyện Cư Jút tiếp tục đề xuất thành lập Trường THCS và THPT Cao Bá Quát. Tuy nhiên, hai đề xuất này đều không được ngành chức năng phê duyệt, vì không phù hợp Nghị Quyết 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nên huyện Cư Jút và Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông không thành lập trường học mới.
Ngày 22/4/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định 550/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc dự án Trường THPT Đắk Wil do UBND huyện Cư Jút quản lý.
Để tránh lãng phí tài sản công ngày 6/5/2021, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định số 621 về việc điều chuyển tài sản của Trường THPT Đắk Wil, về làm Trường mẫu giáo Đắk Wil quản lý, sử dụng. Tỉnh cũng giao cho UBND huyện Cư Jút, chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản theo đúng quy định. Đồng thời, hạch toán giảm, tăng tài sản theo chế độ kế toán hiện hành.
Mới đây, UBND huyện Cư Jút đã giao cho Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện làm chủ đầu tư, thực hiện việc cải tạo, sửa chữa Trường THPT xã Đắk Wil để sớm bàn giao cho đơn vị mới sử dụng. Tổng chi phí đầu tư để cải tạo trường khoảng 3,5 tỷ đồng.
Có mặt tại Trường THPT xã Đắk Wil ngày 10/5, nhiều phòng học, hệ thống nhà vệ sinh đã được cải tạo, sửa chữa, thay đổi so với thiết kế ban đầu để tạo ra không gian học và vui chơi, sinh hoạt phù hợp đảm bảo an toàn với trẻ mầm non. Bên cạnh đó, khu nhà ăn cũng đang dần hoàn thiện xây dựng cơ bản.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Đắk Wil cho biết: trên địa bàn có một trường mẫu giáo hiện đã bị xuống cấp, mà quỹ đất quỹ đất của trường mẫu giáo này lại rất ít, không đủ tiêu chí xây dựng trường mẫu giáo chuẩn. Tuy nhiên, địa phương không đủ kinh phí đầu tư mua quỹ đất, xây dựng trường mẫu giáo đạt chuẩn. Việc chuyển đổi công năng của Trường THPT Đắk Wil sang làm trường mẫu giáo, sẽ giúp cho xã đạt tiêu chí trường mẫu giáo chuẩn, đồng thời tránh lãng phí tài sản công của nhà nước.
Chờ cơ quan chức năng định đoạt
Theo tìm hiểu, Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2, tiền thân là Trường THPT Đào Duy Từ. Năm 2007, Trường THPT Đào Duy Từ được thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, qua mỗi năm tuyển sinh, số lượng học sinh của Trường THPT Đào Duy ngày càng giảm. Nên năm 2019, trường này được sáp nhập vào Trường THPT Phan Chu Trinh và có tên Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2.
Sau khi sát nhập, Trường THPT Phan Chu Chinh phân hiệu 2 hoạt động, nhưng số lượng học sinh tiếp tục giảm. Nguyên nhân do trường ở xa khu dân cư, đường đi lại vắng vẻ, không thể tuyển sinh được học sinh lớp 10. Năm học 2020-2021, toàn trường chỉ còn mấy chục em học sinh của khối 12, nên phụ huynh có ý kiến cho con em họ về trường chính để thuận tiện việc học. Thuận theo ý kiến của phụ huynh, nhà trường đã xin lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đưa số học sinh lớp 12 còn lại về trường chính. Trường THPT Phan Chu Chinh phân hiệu 2 đã dừng hoạt động hơn một năm nay.
Đến đầu năm học 2021-2022, nhà trường đã có văn bản xin trả lại Trường THPT Phan Chu Chinh phân hiệu 2 cho Sở Giáo dục và Đào tạo. Hiện tại cơ sở vật chất của phân hiệu 1 đáp ứng và đảm bảo việc dạy học của trường.
Ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho hay, thời điểm mới thành lập, Trường THPT Phan Chu Trinh cơ sở 2 hoạt động hiệu quả, số lượng học sinh lớn. Học sinh giảm dẫn đến tình trạng như hiện nay do nhiều nguyên nhân, một phần do trường nằm ở khu vực xa khu dân cư, đường đi vắng vẻ ít người qua lại. Bên cạnh đó, đời sống người dân ngày càng cao, nhiều phụ huynh muốn xin cho con vào trường học ở Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk học, dẫn đến số lượng học sinh ngày càng giảm.
Trong 3 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã có các văn bản đề nghị Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi và chuyển giao cơ sở 2 của Trường THPT Phan Chu Trinh và giao lại cho UBND huyện Cư Jút quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, việc bàn giao về cho huyện Cư Jút đến nay vẫn chưa thực hiện được.