Một trong các phong trào học tập và làm theo Bác có hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng rãi là mô hình thực hành tiết kiệm của Hội LHPN nữ huyện để tạo nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sản xuất. Cụ thể như: Tổ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo, Tổ góp vốn xoay vòng, Tổ góp xi măng làm đường, xây sửa nhà theo vụ lúa...
Theo đó, ở mỗi kỳ sinh hoạt chi hội, hội viên đóng góp số tiền cố định vào nguồn quỹ chung và ưu tiên đồng vốn cho chị em có hoàn cảnh khó khăn nhất. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn, nhưng giúp phụ nữ nghèo có điều kiện chăm sóc vườn, mua cây, con giống, sửa chữa nhà ở…
Đồng thời, với mô hình “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, Hội đã triển khai tới các cấp chi hội trong toàn huyện, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu: Vận động 80% hội viên phụ nữ trở lên, tham gia thường xuyên ít nhất 1 loại hình tiết kiệm phù hợp tại chi, tổ phụ nữ; phấn đấu đạt tổng dư nợ tiết kiệm toàn huyện trên 10 tỷ đổng trở lên; giúp khoảng 2.200 phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất.
Bà Mai Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, ban đầu mới triển khai, nhiều chị em chưa hiểu nên còn ngần ngại, lo lắng. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, thấy phong trào hiệu quả, các chị em đều tham gia. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã thành lập được 105 nhóm phụ nữ tiết kiệm tại 94 chi hội phụ nữ, với 2.218 lượt phụ nữ tham gia ở nhiều loại hình tiết kiệm, tổng số tiền tiết kiệm đạt 15 tỷ đồng, trong đó có 48 nhóm tiết kiệm xoay vòng, không lấy lãi.
Có hoàn cảnh khó khăn và được ưu tiên vay vốn từ quỹ của hội, chị Phạm Thị Tơ, bản Luốc Làu (xã Mường Mìn) đã đầu tư vào mô hình nuôi vịt siêu trứng, với gần 100 triệu đồng. Đến nay, đàn vịt của chị mỗi ngày cung cấp khoảng 500 trứng cho bản và các vùng lân cận. Thu nhập mỗi năm khoảng 100-200 triệu đồng.
"Tham gia mô hình tiết kiệm của Hội phụ nữ, tôi được vay nguồn vốn này để đầu tư, không lo lãi suất cao, nên phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả. Sau khi có tích luỹ, gia đình tiếp tục đóng góp vào quỹ của hội để giúp đỡ những chị em khác”, chị Tơ nói.
Ngoài phong trào của Hội phụ nữ, các tổ chức khác như Huyện đoàn, Hội Nông dân cũng triển khai các phong trào xung kích phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu như: trồng rau an toàn ở xã Trung Hạ; mô hình nuôi và bảo tồn giống vịt bản địa ở các xã Sơn Hà, Trung Xuân; mô hình trồng cây sa nhân ở xã Sơn Điện; mô hình trồng cây đinh lăng ở xã Sơn Thủy…
Những phong trào thi đua học tập và làm theo Bác, đã và đang đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ đó, sau 5 năm, huyện đã có 55 bản được công nhận nông thôn mới (NTM), 7 bản đạt NTM kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn NTM, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 41,87% (năm 2015) xuống còn 3,24% (năm 2020).
Ông Trịnh Vinh Lực, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quan Sơn khẳng định, quá trình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng của người dân, xóa bỏ những tư tưởng ỷ lại, hủ tục lại hậu để nỗ lực làm giàu cho quê hương. Cùng với đó, cũng nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tác phong làm việc, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.