Để đến được bản Xía Nọi, chúng tôi phải mất cả ngày dài, vượt hàng trăm cây số qua những đoạn đường lầy lội, những đoạn dốc đá thẳng đứng gồ ghề mới gặp được cô giáo Tông ở một bản nhỏ trên núi. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Mông.
Điểm Trường Mầm non Xía Nọi chỉ là ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ, đơn sơ, mới được Nhà nước xây dựng cách đây không lâu nên trông vẫn khá kiên cố. Những đứa trẻ người Mông vốn nhút nhát, còn biết rất ít tiếng phổ thông nên thấy người lạ thì rất bẽn lẽn. Thế nhưng, với cô giáo thì các em lại gần gũi, bởi bao năm nay cô giáo đã trở thành người mẹ hiền thứ hai của các em..
Theo lời chia sẻ của cô giáo trẻ này, trước kia, cô cũng như đa số những đứa trẻ người Mông khác, sinh ra trong gia đình nghèo, sống ở vùng núi đặc biệt khó khăn và thiếu thốn mọi thứ. Suốt những năm tháng tuổi thơ cũng phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Ngoài giờ học, Tông phải trông các em, rồi lên nương rẫy phụ giúp bố mẹ. Hiểu được cái giá của việc thiếu tri thức và đói nghèo, Tông nghĩ mình phải bằng mọi giá tìm được lối thoát bằng con đường học tập.
Bạn bè cùng trang lứa của Tông khi chưa qua tuổi dậy thì, đã lần lượt lấy chồng, lấy vợ, nhưng Tông nghĩ khác, cô muốn theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo để mang tri thức trở về làng dạy các em nhỏ.
Nhờ sự kiên trì và cố gắng, tốt nghiệp THPT huyện Quan Sơn, nữ sinh Sung Thị Tông đã thi đỗ vào khoa Sư phạm Mầm non - Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).
Tốt nghiệp đại học, năm 2016, Tông trở thành cô giáo và được phân công về dạy tại điểm chính của Trường mầm non Sơn Thủy. 2 năm sau, cô xung phong lên điểm trường Mùa Xuân, dù chỉ cách bản Xía một ngọn núi nhưng con đường tới điểm trường vô cùng hiểm trở, heo hút. Đây cũng là bản người Mông khó khăn nhất của huyện, với những đứa trẻ lấm lem, nhút nhát.
Để đến với các học trò ở điểm trường Mùa Xuân, cô giáo trẻ này phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm, có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, một bên là núi, một bên là vực thẳm. Ngày nắng còn đỡ, những hôm trời mưa, cô phải đi bộ mất nửa ngày mới đến nơi. 1 năm sau, cô Tông lại được điều chuyển công tác về bản Xía Nọi, nơi mình đã sinh ra.
Lớp học của cô giáo Tông là 16 đứa trẻ ở cả 3 độ tuổi 3 - 4 - 5., hầu hết các em không nói và chưa hiểu tiếng phổ thông nên cô giáo Tông phải cùng lúc nói hai thứ tiếng, sau tiếng phổ thông sẽ lại phiên âm sang tiếng Mông để dạy cho các em.
Để những đứa trẻ có thêm quần áo, đồ chơi, cô giáo Tông còn tìm mọi cách để kết nối với các đơn vị, cá nhân giúp đỡ điểm trường từ bàn ghế đến đồ dùng học tập, đồ chơi. “Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi hạnh phúc vì được trở về bản làng dạy học, được gắn bó với bọn trẻ và thực hiện ước mơ bấy lâu nay của mình”, cô giáo Tông chia sẻ.
Với nhiệt huyết và tình yêu với nghề, cô giáo Sung Thị Tông đã vinh dự trở thành đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa và dự Đại hội thi đua yêu nước toàn ngành Giáo dục năm 2020, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Bằng khen.