An Dũng là một xã miền núi đặc biệt khó khăn, bà con chủ yếu làm nông, trình độ dân trí còn hạn chế. Thêm vào đó là địa hình quanh co, người dân sống dọc theo hai bên bờ sông và dưới chân núi, giao thông đi lại không thuận tiện. Mùa mưa, học sinh ở bên kia sông thường phải nghỉ học vì không có cầu. Cũng chính vì thế mà trẻ em nơi đây thường nghỉ học sớm. Những bạn nhỏ muốn học hành đến nơi, đến chốn cần phải có lòng kiên trì cùng quyết tâm cao của bản thân. Đinh Thị Hồng Linh là một trong số ít những người đã vượt qua được khó khăn để thực hiện ước mơ của mình.
Kể về hành trình trở thành một giáo viên, Hồng Linh không quên những năm tháng vất vả, khó khăn nhưng chứa đựng biết bao nhiệt tình của tuổi trẻ. Biết tin mình trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương I (Hà Nội), cô vui một nhưng lo mười, bởi một bên là đam mê cháy bỏng với nghề, một bên là gia cảnh khó khăn, cha mẹ vất vả, tảo tần nuôi dạy những 8 người con. Sau nhiều đêm trăn trở, bố mẹ Linh đã quyết tâm lo cho con gái được theo đuổi ước mơ đi học ngành đã ấp ủ bấy lâu nay.
Trong suốt 3 năm đi học, Hồng Linh luôn nỗ lực vượt qua những chật vật mưu sinh nơi thành phố, cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng bố mẹ. Hồng Linh luôn khắc ghi trong lòng những bài học để trở thành “mẹ” của trẻ nhỏ, cần phải có một trái tim nhân hậu, yêu quý trẻ, phải kiên nhẫn, biết kiềm chế, có tinh thần trách nhiệm cao và bao dung như người mẹ.
Sau khi tốt nghiệp, Hồng Linh không chọn lập nghiệp nơi thành phố mà trở về mảnh đất quê hương, với mong muốn dạy chữ cho các em nhỏ. Năm 2013, Hồng Linh được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão bố trí công tác tại chính nơi cô sinh ra và lớn lên. Từ đây, cô giáo Hồng Linh chính thức thực hiện tâm nguyện mang kiến thức về truyền dạy cho con em ở quê hương An Dũng.
Lớp cô giáo Hồng Linh làm Chủ nhiệm, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc H'rê. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên cha mẹ ít quan tâm đến việc chăm sóc con cái và đưa trẻ đến trường, nên vẫn thường xảy ra tình trạng trẻ không đi học. Để duy trì sĩ số lớp học, cô tranh thủ thời gian đến các gia đình trò chuyện, về tầm quan trọng khi đưa trẻ đến trường học, đồng thời, vận động các bậc phụ huynh quan tâm cho trẻ đến trường; đặc biệt trong những ngày mưa gió, mỗi sáng cô giáo Hồng Linh cùng đồng nghiệp phải cõng từng em vượt qua sông, suối tới trường, đến chiều lại cõng các em qua suối trở về nhà.
Chính những hành động, đó đã làm thay đổi nhận thức của nhiều phụ huynh học sinh. Họ dần hiểu được tầm quan trọng việc cho con đến lớp, để tiếp cận dần với môi trường tiếng Việt và nhận diện con chữ của trẻ. Nhờ thế mà trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường đã dần tăng lên. Từ lác đác vài trẻ, đến nay đã có 89 học trò nhỏ từ 3 - 5 tuổi thường xuyên đến lớp. Đây là sự cố gắng vượt bậc của cô Linh và Ban Giám hiệu Trường Mầm non An Dũng.
Không chỉ tận tâm, yêu nghề, chăm sóc dạy giỗ các em, Hồng Linh luôn được đồng nghiệp đánh giá, là cô giáo tâm huyết, đặc biệt là có nhiều sáng kiến trong chăm sóc trẻ và dạy trẻ hiệu quả. “Các em học sinh ở đây đều là người dân tộc thiểu số nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt rất hạn chế, vì vậy các em thường thiếu tự tin. Để khắc phục tình trạng này, mình đã thường xuyên nói chuyện, hỏi han và khuyến khích các em nói chuyện, giao tiếp với bạn bè bằng tiếng Việt để các em tự tin hơn và tiếp thu bài học cũng tốt hơn”, Hồng Linh chia sẻ.
Nhờ những kỹ năng và phương pháp sư phạm vừa khoa học, vừa gần gũi phù hợp với thực tế, Hồng Linh tham gia các cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đều đạt giải cao. Với những nỗ lực, trách nhiệm với nghề vừa qua, cô giáo Đinh Thị Hồng Linh, là một trong những giáo viên được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long thực hiện, nhằm vinh danh các các giáo viên là người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.