Ngắm thú rừng trong đêm
Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, chúng tôi có dịp tìm đến VQG Cát Tiên, thuộc xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú (Đồng Nai). Vườn được thành lập từ năm 1978, tổng diện tích 71.187,9ha, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Nơi đây được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar quốc tế và Khu di tích quốc gia đặc biệt...
Đến với VQG Cát Tiên, chúng tôi thích thú khi được trải nghiệm thực tế chuyến đi xuyên rừng về đêm để tận mắt ngắm động thực hoang dã. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở du khách trong và ngoài nước đến tham quan, di chuyển trên đoạn đường gần 6km để ngắm nhìn thú rừng ăn đêm.
Với sự đa dạng về các loài động vật như: 40 loài nằm trong sách đỏ thế giới bao gồm voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, nai và hàng trăm loài gỗ, lan rừng quý hiếm. VQG Cát Tiên từ lâu đã nổi tiếng là địa điểm có khí hậu trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp, là điểm đến được nhiều người yêu thích, nhất là giới trẻ và du khách nước ngoài.
Trong chuyến đi, chúng tôi may mắn được trực tiếp quan sát nhiều thú rừng ăn đêm dọc theo hai bên đường như nai, mang rừng, hoẵng (con mển), heo rừng…
Chứng kiến cảnh trên, anh Minh Anh (ngụ Định Quán, Đồng Nai, du khách tham VQG Cát Tiên) thích thú cho biết: “Dịp cuối năm được một chuyến đi dã ngoại như thế này, tôi thấy rất vui. Khí trời thì rất mát mẻ, được xem những chú nai, chú mển, heo rừng… rất dễ thương. Tôi mong rằng, lãnh đạo vườn hết sức quan tâm và có trách nhiệm cao trong công tác bảo tồn để phát triển bền vững”.
Theo lãnh đạo VQG Cát Tiên, hiện vườn có 1.729 loài động vật, trong đó có một số loài động vật quý hiếm, bị đe dọa ở mức toàn cầu như voi châu Á, bò tóc, cá sấu nước ngọt, gấu chó, chà vá chân đen, trăn đất, trăn gấm… Về thực vật: VQG Cát Tiên có tổng số 1.655 loài thuộc 168 họ và 57 bộ khác nhau, chiếm tới 62% tổng số bộ và gần 55% tổng số họ thực vật ở Việt Nam.
VQG Cát Tiên có diện tích rừng lớn và nguồn tài nguyên phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã nên dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng khai thác rừng và săn bắt trái phép. Mặt khác, tội phạm hiện nhắm vào người nghèo, người có dân trí thấp khu vực biên giới để lôi kéo vào các hành vi phá hoại rừng, săn bắt ĐVHD và đưa vào nội địa tiêu thụ bằng các hình thức vận chuyển tinh vi. Do đó, vấn đề bảo vệ rừng và ĐVHD tại vườn luôn được chú trọng và đạt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên cho biết: “VQG Cát Tiên có vai trò đặc biệt quan trọng, nên việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học là rất cấp thiết trong hiện nay và tương lai. Ban quản lý VQG Cát Tiên đã tổ chức triển khai nhiều kế hoạch quan trọng; chủ động xây dựng phương án, quản lý và bảo vệ VQG Cát Tiên, tập trung vào cả dịp mùa cao điểm, mùa khô từ tháng 1 đến tháng 6, mùa măng, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết…”.
Bất chấp hiểm nguy… đem bình yên cho rừng
Theo chân những cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ VQG Cát Tiên, chúng tôi ghi nhận xung quanh vườn có mật độ dân cư sinh sống còn khá cao với hơn 20.000.000 dân sống tiếp giáp. Cuộc sống của người dân trong vùng lõi, vùng đệm của vườn còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, một bộ phận người dân sống còn dựa vào tài nguyên rừng, điều này cũng tạo sức ép lớn lên công tác quản lý bảo vệ rừng. Do đó, ngay từ đầu năm, Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên đã chủ động xây dựng nhiều phương án, trong đó có Phương án khoán bảo vệ rừng năm 2024 trình Giám đốc Vườn phê duyệt.
“Mục đích phương án là từng bước xã hội hóa nghề rừng, huy động tối đa người dân tham gia bảo vệ rừng tại gốc, tạo thêm thu nhập chính đáng, bền vững cho cộng đồng người dân vùng đệm; nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng”, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Theo đó, tổng diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 78.561ha/82.597 ha diện tích tự nhiên, tổ chức khoán bảo vệ rừng diện tích 31.690 ha/47 cộng đồng/1.230 hộ và 2 đơn vị tập thể, tổng kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích khoán bảo vệ rừng được bảo vệ tốt. Nhờ đó, ý thức người dân trong bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao.
Đối với việc tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và ĐVHD, “mục sở thị” mới thấy được sự hy sinh thầm lặng của những con người làm nhiệm vụ tại đây. Họ phải trải qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm để đem bình yên đến “cửa rừng”…
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm cơ động (thuộc Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên), thường thì ở VQG Cát Tiên thời điểm nào cũng là trọng điểm. Tuy nhiên về dịp cận Tết, trong Tết và sau Tết là cao điểm nhất. Do nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ rừng rất cao. Đây cũng là dịp một số đối tượng không có nghề nghiệp ổn định hoạt động săn bắt… Do đó, anh em đã xây dựng kế hoạch từ rất sớm và đưa ra các phương án bảo vệ rừng và ĐVHD đạt hiệu quả tốt nhất..
Tương tự, ông Trần Đình Hưng, kiểm lâm viên, Trạm Kiểm lâm cơ động (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên) cũng chia sẻ, quá trình vào rừng tuần tra gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào thời điểm mưa bão, luôn phải bí mật tránh để bị lộ mới mai phục, vây bắt được các đối tượng săn bắt ĐVHD, khai thác gỗ trái phép. Những đối tượng vi phạm sử dụng súng rất manh động, thậm chí, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị vây bắt...
Điển hình, cách đây gần 2 năm vụ việc 3 cán bộ kiểm lâm VQG Cát Tiên bị chém thương tích trong lúc đi tuần tra, phát hiện và vây bắt nhiều đối tượng săn thú rừng trái phép khiến dư luận quan tâm. Vụ việc khiến 3 cán bộ kiểm lâm bị thương tích phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cơ quan công an đã vào cuộc mở rộng điều tra và bắt giữ 6 đối tượng có liên quan.
Mặt khác, tại Báo cáo mới nhất của Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên cũng cho thấy, trong năm 2024, lực lượng kiểm lâm đã tích cực, chủ động tuần tra bảo vệ rừng, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, lập hồ sơ xử lý 52 vụ, xử lý 73 người vi phạm. Đặc biệt, Cơ quan chức năng tiến hành xử lý hình sự 2 vụ với 4 đối tượng. Trong đó, khởi tố vụ án 1 đối tượng trong vụ vận chuyển lâm sản trái phép; xử lý 1 vụ tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng với 3 đối tượng liên quan....
Từ những trường hợp vi phạm còn tồn tại, mới thấy được công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và ĐVHD của các cán bộ VQG Cát Tiên không hề đơn gian. Có thể nói, xung quanh họ, mỗi bước chân nơi “cửa rừng” mối nguy hiểm vẫn luôn rình rập. Thấu hiểu được điều đó, các cán bộ nơi đây thường động viên nhau cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ…
Rời vườn quốc gia Cát Tiên, hướng về TP Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường, chúng tôi luôn thầm cảm ơn những con người nơi đây! Họ đã không quản khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh với mong muốn đem bình yên đến cho rừng.