Đại dịch Covid - 19 đã tác động đến tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông, lâm, thủy sản. Nhưng bằng nỗ lực cao nhất, ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 6 này, quả vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương lần đầu tiên sẽ “đặt chân” vào thị trường Nhật Bản, thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Đây là kết quả nỗ lực sau 5 năm đàm phán giữa Việt Nam với Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã giao Cục Bảo vệ thực vật tổ chức các buổi họp trực tuyến với MAFF và Đại sứ quán Nhật Bản để thống nhất việc đặc cách cử chuyên gia kiểm dịch thực vật sang Việt Nam. Ngày 3/6, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam để trực tiếp kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với các lô vải tươi xuất khẩu sang thị trường này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, sau 5 năm chờ đợi và hoàn tất quy trình đánh giá rủi ro mở cửa thị trường, Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam. Việc quả vải tươi Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản sẽ giúp mở thêm những cánh cửa xuất khẩu mới sang các nước phát triển khác.
Cùng với tin vui từ xuất khẩu quả vải, ngành Nông nghiệp nước ta cũng đã đạt được những kết quả khả quan ở nhiều lĩnh vực khác. Đối với thủy sản, sản xuất đang phục hồi. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng ước đạt gần 3,83 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó sản lượng khai thác đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,7%; nuôi trồng đạt 1,94 triệu tấn, tăng 1,2%.
Do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,5%; trong đó xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất với mức 39%. Nhằm thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường trong nước, Bộ NN&PTNT đã tổ chức sự kiện kết nối “Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra" mở đầu cho phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020. Tại đây, nhiều doanh nghiệp phân phối và sản xuất đã ký kết kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ước tính đến hết tháng 6/2020, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 7,53 triệu m3, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Trước tác động của dịch Covid-19, các mặt hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu giảm mạnh; có tới 80% người dừng mua hoặc hủy đơn hàng; chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường. Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã kịp thời tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid-19” với mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2019…
Đây là tiền đề quan trọng để ngành Nông nghiệp vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020. Như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định: “Ngành Nông nghiệp vốn đã nỗ lực, nay phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là biến “nguy” thành “cơ”; linh hoạt phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm thủy sản, để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu”.